Báo Công An Đà Nẵng

Ấm lòng "Tiệm bánh mỳ 0 đồng"

Thứ năm, 21/11/2019 17:00

"Làm từ thiện nhưng em không muốn nhận tiền ủng hộ, ai quý công việc thiện nguyện mà tụi em đang làm thì hãy góp thêm cân thịt, ổ bánh mỳ hoặc chai nước lọc là tụi em vui lắm rồi!". Đó là lời bộc bạch chân thành của anh Đào Văn Vĩnh (27 tuổi), chủ tiệm "Bánh mỳ 0 đồng" tại Đà Nẵng. Lâu nay, "Tiệm bánh mỳ 0 đồng" của anh Vĩnh tại 117/10 Ngô Gia Tự, P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu đã trở thành địa chỉ quen thuộc, nơi cung cấp những suất ăn miễn phí, chất lượng đến với những người lao động nghèo tại TP Đà Nẵng.

Những ổ bánh mỳ miễn phí kèm theo sữa được nhóm của Vĩnh gửi đến các lao động nghèo.

Mở tiệm từ 9 giờ sáng đến 15 giờ mỗi ngày, nhóm của Vĩnh và tình nguyện viên sẽ cung cấp 150-200 ổ bánh mỳ thịt xíu, chả, dăm bông (cho người ăn mặn) và tương đậu, bơ đường (cho người ăn chay). Bên cạnh đó, mỗi phần bánh mỳ sẽ kèm theo sữa hoặc nước suối chai với giá bán là 0 đồng. Nhiều người e dè khi lần đầu tiên đến với tiệm, còn nghi ngờ nên phải hỏi đi hỏi lại: "Có phải miễn phí không con?". Nhưng bằng thái độ niềm nở, thân thiện của các tình nguyện viên đã trả lời cho câu hỏi đó, giúp xóa nhòa đi khoảng cách, sự mặc cảm. "Những lần sau đó, các cô chú mạnh dạn hơn, thoải mái hơn khi đến nhận bánh mỳ. Với các thành viên tham gia, không có gì vui, hạnh phúc hơn khi nhìn thấy những người còn lắm khó khăn, khổ cực nở nụ cười ấm áp", Vĩnh chia sẻ.

Nói về duyên đến với hoạt động tình nguyện, Vĩnh cho biết, đó là dư âm của những năm tháng sinh viên đầy nhiệt huyết, căng tràn nhựa sống. Khoảng thời gian đó, Vĩnh tham gia vào các câu lạc bộ tình nguyện, công tác xã hội tại trường. Sau khi ra trường, Vĩnh trực tiếp lên ý tưởng tổ chức các hoạt động vào tối thứ Sáu, đi phát sữa và bánh mỳ cho các cô chú công nhân môi trường, người lao động ban đêm bằng tiền bán hoa, bán ve chai, giấy vụn. Rồi sau này, khi cuộc sống ổn định, Vĩnh và mọi người trong gia đình góp tiền tổ chức "Quán cơm 2.000" vào mỗi ngày cuối tuần. Bắt đầu từ tháng 4-2019, quán cơm cung cấp các phần cơm chỉ với giá 2.000 đồng. Lúc đó, kinh phí hạn hẹp và chưa có sự kết nối với sinh viên, tình nguyên viên nên khá vất vả. Đến tháng 10, vì lý do công việc nên nhóm của Vĩnh không thể tiếp tục với "Quán cơm 2.000" của mình tại địa chỉ trên. Vẫn đau đáu muốn làm gì đó để giúp đỡ cộng đồng, khi công việc ổn định lại, Vĩnh và các anh chị trong gia đình đã lập ra "Tiệm bánh mỳ 0 đồng". "Tiệm sẽ giúp được nhiều người hơn vì được làm hằng ngày. Còn quán cơm 2.000 đồng chỉ có thể giúp vào cuối tuần", Vĩnh cười.

"Tiệm bánh 0 đồng" nằm trong con hẻm nhỏ ở trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Một ngày của "Tiệm bánh mỳ 0 đồng" bắt đầu từ chiều tối hôm trước, Vĩnh phụ trách mua thịt để tẩm ướp gia vị. Sáng hôm sau sẽ xíu thịt và đi chợ mua chả bò, rau, quả, dăm bông... Khoảng 9 giờ, tình nguyện viên sẽ đến phụ giúp, làm các công việc như một tiệm bán bánh mỳ bình thường. Người thái thịt, chả; người nhặt rau; nướng bánh; người thì kẹp nguyên vật liệu vào bánh và gửi cho các cô chú có nhu cầu. Công việc không xuể nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi. Đến khoảng 14 giờ đến 15 giờ, nếu bánh mỳ còn nhưng không có tình nguyện viên nào phụ giúp hoặc ở lại để trông coi tiệm bánh, cả nhóm sẽ mang đến bệnh viện phục vụ người nhà và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Biết đến Vĩnh sau khi tham gia chung một số hoạt động, bạn Phạm Thùy Dương, sinh viên năm 4 Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đăng ký đồng hành cùng tiệm bánh từ những ngày đầu. Dương cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi là một thành viên của tiệm. Thời gian có thể linh động, không bắt buộc và cố định nên ai cũng có thể đăng ký tham gia được. "Những người đến với tiệm họ thực sự rất cần giúp đỡ. Gặp một số cô chú lớn tuổi hơn ba mẹ mình, chừng đó tuổi mà vất vả mưu sinh, bữa đói bữa no nên em cảm thấy công việc của mình ý nghĩa hơn", Dương chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hồng, hằng ngày bán vé số ở khắp các tuyến phố trung tâm P. Hải Châu 1 luôn chọn tiệm bánh làm nơi dừng chân mỗi bữa trưa. Chị thổ lộ, có bữa quá giờ trưa nhưng vẫn thấy các cháu miệt mài ngồi đợi khách đến. Thái độ rất thân thiện nên tôi cũng đỡ mặc cảm. "Tiệm bánh 0 đồng" nhưng đong đầy yêu thương.

MAI VINH