Báo Công An Đà Nẵng

Ấm tình đồng nghiệp

Thứ ba, 28/11/2017 09:28

Với những hoạt động ý nghĩa và chứa chan tình đồng nghiệp, nhiều năm qua, những giáo viên Lịch sử THPT ở Đà Nẵng đã để lại tình cảm tốt đẹp khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Một buổi gặp mặt và tặng hoa cho giáo viên về hưu của Ban liên lạc giáo viên Lịch sử THPT Đà Nẵng.

Thắt chặt hơn tình cảm

Chia sẻ về việc thành lập, thầy Hà Thúc Quang, giáo viên Trường THPT Thái Phiên, Phó Ban Liên lạc giáo viên Lịch sử THPT Đà Nẵng cho biết: "Trong những lần sinh hoạt chuyên môn, anh em gặp nhau không chỉ trao đổi về chuyên môn mà còn chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Bởi đợt sinh hoạt chuyên môn, khó gặp nhau đông đủ và thời gian không có nhiều để hàn huyên tâm sự. Từ thực tế đó, chúng tôi bàn nhau thành lập Ban Liên lạc giáo viên Lịch sử THPT Đà Nẵng làm nơi để anh chị em đồng nghiệp gặp nhau, trao đổi không chỉ về chuyên môn mà còn chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, qua đó thắt chặt hơn tình cảm đồng môn, đồng nghiệp, động viên nhau hoàn thành tốt hơn công việc được giao, và thấy đời có nhiều niềm vui hơn".

Kinh phí hoạt động do anh em giáo viên đóng quỹ, mỗi người một ít nhưng ý nghĩa thì rất nhiều. Hằng năm, trước thềm ngày 20-11, Ban Liên lạc tổ chức gặp mặt truyền thống để liên hoan, văn nghệ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Không chỉ giáo viên đang công tác mà cả những người đã về hưu cũng được mời tham dự. Dịp này, sẽ có hoa và món quà nhỏ tặng giáo viên về hưu; hoa và lời chúc mừng cho thành công của đồng nghiệp như bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cao, được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, được nhận giải thưởng Nhà giáo Võ Trường Toản...

"Về hưu rồi vẫn còn được anh chị em đồng nghiệp nhớ đến tôi cảm thấy rất vui. Nói thật, trước thềm 20-11, tôi háo hức chờ ngày gặp mặt truyền thống, bởi ở đó tôi như được trẻ lại và được sống ấm cúng trong tình đồng nghiệp thân thương", thầy Nguyễn Văn Xoa, cựu giáo viên Trường THPT Trần Phú, nói trong xúc động. Trong khi đó, giáo viên trẻ có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ những thầy cô giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm như thầy Hoàng Văn Khánh, thầy Hà Thúc Quang, thầy Ngô Tùng Sơn...

Bên cạnh đó, Ban Liên lạc thông qua tổ trưởng ở các trường để nắm thông tin về đồng nghiệp khi ai đó ốm đau, hay hiếu hỉ...  Từ đó, có sự thăm hỏi động viên khi đồng nghiệp ốm đau, hay gửi lời chúc mừng khi đồng nghiệp đám cưới hay con cái đồng nghiệp lập gia đình.

Những việc làm ấm tình đồng nghiệp như thế diễn ra 10 năm nay. "Khởi xướng ý tưởng này là nhóm giáo viên lớn tuổi nay đã về hưu gồm các thầy Nguyễn Xuân Phong, thầy Nguyễn Đắc Sang, thầy Nguyễn Văn Phát. Tôi là thế hệ kế tiếp được các thầy chuyển giao ngọn cờ truyền thống", thầy Quang nhớ lại.

Có tình sẽ làm được

Những việc làm của Ban Liên lạc giáo viên Lịch sử THPT Đà Nẵng tuy nhỏ nhưng ấm tình đồng nghiệp, khiến ai là người trong cuộc cũng rưng rưng xúc động. "Ở Đà Nẵng, chỉ giáo viên môn Lịch sử lập được Ban Liên lạc và hoạt động hiệu quả. Nhiều môn khác cũng muốn làm như vậy mà... khó quá, chưa làm được", một đồng nghiệp khác môn bày tỏ.

Để sự chia sẻ gắn kết hơn, trang Facebook CLB Giáo viên Lịch sử THPT Đà Nẵng được thành lập với sự tham gia của hơn 100 giáo viên Lịch sử của thành phố, đăng tải những thông tin chính thống, kiến thức và tài liệu về lịch sử để đồng nghiệp tham khảo. Tại đây, các giáo viên chia sẻ, trao đổi về chuyên môn với sự thân tình như người trong một mái nhà.

Chia sẻ về thành công trong hoạt động của Ban Liên lạc giáo viên Lịch sử THPT Đà Nẵng, thầy Hoàng Văn Khánh, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng, ở Đà Nẵng có thuận lợi là địa bàn phần lớn thành phố, khoảng cách địa lý không xa nên có thể dễ dàng tổ chức gặp mặt. Tuy vậy, muốn thành công cần phải có cách làm, nhất là có cái tình, phải để cho giáo viên cảm nhận được sự ấm áp của tình đồng nghiệp thì họ mới hưởng ứng và tiếp lửa.

PHẠM ĐƯỢC

Tiên phong dạy về chủ quyền Hoàng Sa

Năm 2015, với việc dạy sách Lịch sử Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng là địa phương đi tiên phong cả nước trong việc đưa kiến thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào giảng dạy cho học sinh trong chương trình chính khóa. Sách Lịch sử Đà Nẵng do thầy Nguyễn Minh Hùng chủ biên, được viết bởi chính giáo viện dạy Lịch sử của Đà Nẵng là thầy Hoàng Văn Khánh và thầy Phạm Đình Kha. Đây là cuốn sách được đánh giá cao về chất lượng với 75 trang, trong đó có 21 trang viết về Hoàng Sa với nhiều tư liệu, bằng chứng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.