Báo Công An Đà Nẵng

Âm vang tiếng vọng đại ngàn Tây Nguyên

Thứ sáu, 13/11/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Đêm qua (12-11), đúng 20 giờ 20, tiếng cồng hùng tráng âm vang khắp núi rừng Tây Nguyên, khai mạc Lễ hội Cồng chiêng thế giới lần đầu tiên tổ chức tại TP Pleiku – Gia Lai. Hơn 30.000 người dân phố núi và du khách hân hoan, reo vui trong tiếng cồng chiêng rộn rã tại Quảng Trường 17-3, Công viên Lý Tự Trọng. Đồng thời hàng vạn khán giả truyền hình cả nước cũng được chìm đắm trong không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo, đa sắc màu của các đội cồng chiêng khắp mọi miền đất nước và nước ngoài.

Lắng nghe tâm tình Tây Nguyên

Cồng chiêng gắn liền với một vòng đời của đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, từ lúc sinh ra cho đến khi về với miền đất của tổ tiên.  Cảm nhận sâu sắc ý nghĩa linh thiêng của văn hóa cồng chiêng của đồng bào  Tây Nguyên, NSND Lê Tiến Thọ -Tổng đạo diễn Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai - đã cố gắng phác họa được toàn cục cảnh sắc, con người, đời sống văn hóa của Tây Nguyên trên sân khấu hiện đại, hoành tráng giữa trung tâm phố núi Pleiku trong lễ khai mạc đêm 12-11.

Chương trình Lễ khai mạc được chia làm 4 chương: “Đất và người Gia Lai -  Tây Nguyên”; “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Hội nhập và phát triển”, “Sức sống cồng chiêng kết nối khối đại đoàn kết dân tộc”. Cảnh sắc đại ngàn Tây Nguyên được tái hiện một cách đặc sắc trên sân khấu với phông chính là dãy núi hùng vĩ - điểm tựa bao đời cho người dân Tây Nguyên.

 Đoàn voi rước đội cồng chiêng của các nước bạn Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Philippines diễu hành trong đêm khai mạc. Ảnh: L.D

Dưới chân núi, là những mái nhà sàn bằng tranh, tre, gỗ phảng phất khói lam chiều. Và xa hơn, nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh là thác nước tung bọt trắng xóa khiến cho khung cảnh vừa hoang sơ hùng vĩ, vừa nên thơ... Trong tiếng cồng lúc rền to vang dội, lúc du dương trầm bổng đưa mọi người đi qua những miền ký ức lang thang trên những con đường đầy hoa pơ lang, hoa dã quỳ, đến với nhà rông, với bếp lửa... Hay ngắm nhìn những chàng trai ngực căng tràn nhựa sống trên lưng chú voi to lớn sừng sững, ngắm những sơn nữ xinh đẹp, mạnh mẽ và duyên dáng trong các điệu múa...

Trong nền nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên có tiếng đàn tơ rưng, tiếng chiêng cồng, lời bình truyền cảm giới thiệu về đất và người Tây Nguyên... 11 vòng chiêng, nhịp xoang của 11 dân tộc là những cư dân lâu đời của Tây Nguyên (Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Xơ đăng, M’nông, Cơ Ho, Mạ, Churu, Giẻ Triêng, Brâu, Rơmăm) cùng gióng lên khiến cho không khí thêm rộn ràng, rạo rực... Một phút trầm lắng, phong nền sân khấu tối lại... im lặng, rồi hửng sáng dần chan hòa trong ánh nắng sớm mai. Trong tiếng ríu rít của chim rừng, tiếng suối róc rách, NSƯT Y Moan bước ra từ trong nhà sàn và cất lên bài ca rộn ràng, sôi động, đậm đà bản sắc Tây Nguyên như báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu...

Rồi tiếng đàn đinh-gon cất lên, một giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm ru ngân những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc Tây nguyên như đưa mọi người trở về thuở xa xưa với những lễ hội quan trọng trong một vòng đời. Trong nền nhạc cồng chiêng, các lễ hội gắn với cá nhân mỗi con người, đến các lễ hội cộng đồng được tái hiện trên sân khấu. Đầu tiên là lễ thổi tai giúp đứa trẻ mới sinh ra nghe được ý của đất trời, lời hay, lẽ phải của ông bà, cha mẹ.

Lễ trưởng thành khi cha mẹ làm lễ tạ ơn thần linh đã phù hộ cho đứa con mình. Và kết thúc bằng lễ bỏ mả - lễ cuối cùng của một vòng đời người Tây Nguyên để về với thế giới “ông bà”, thế giới của Giàng, không còn quẩn quanh khu nhà mồ nữa. Những lễ hội cộng đồng như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu mừng chiến thắng với tiếng cồng chiêng dồn dập, rộn rã ngân vang cùng với điệu múa xoang uyển chuyển được các chàng trai, cô gái Tây Nguyên thể hiện. Trong một không gian gần gũi và chân thật đến vậy, mọi người có cảm giác được sống một cách trọn vẹn trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 Tiếng cồng chiêng các dân tộc trong nước và 5 nước bạn hòa quyện vào nhau trên sân khấu trong đêm khai mạc.

Quê hương ngày mới

Sau khoảng thời gian lãng đãng lạc vào cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, hòa mình vào không gian văn hóa của người Tây Nguyên, du khách chợt ngỡ ngàng trước một nhịp sống đô thị hóa sôi động của phố núi Tây Nguyên hôm nay khi sân khấu chuyển sang một chương mới.  Hình ảnh mô phỏng bình rượu cần được  họa tiết những cánh chim hạc đang bay hướng về phía mặt trời đặt bên cạnh cây nêu truyền thống thể hiện một Tây Nguyên hội nhập, phát triển nhưng vẫn luôn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Giờ đây trên màn hình là những cánh rừng bạt ngàn cà-phê nở hoa trắng xóa, mênh mông rừng cao su thẳng tắp...

Tiếp đến là những công trình kiến trúc độc đáo của Tây Nguyên như: nhà thờ gỗ (Kon Tum), chùa Minh Thành (Gia Lai), nhà thờ Tin Lành Plei Choét (Pleiku).  Thủy điện Yaly – công trình cho thấy sự vĩ đại của sức người; những tòa nhà cao chọc trời đang mọc lên ngày càng nhiều trên phố núi Pleiku, hình ảnh các khu công nghiệp, Học viện bóng đá HA-GL-Arsenal-JMG,...  Tất cả những hình ảnh sống động này đã đưa đến người xem một cái nhìn toàn diện về phát triển hội nhập mạnh mẽ của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Điều này càng khẳng định sự đoàn kết, gắn bó một lòng của các dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc xây dựng quê hương Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Tiết mục hấp dẫn và ấn tượng người xem tiếp theo, là hàng nghìn người trình diễn, trong đó cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp (Đoàn nghệ thuật Đam San, Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội, Vũ đoàn Sài Gòn), các đội cồng chiêng đến từ các huyện; sinh viên, học sinh các trường THPT đã làm cả phố núi rộn ràng hẳn lên. Hàng nghìn người trong  những trang phục truyền thống cách điệu, những bộ quần áo hiện đại đang say sưa nhảy múa những điệu múa cổ điển và cả hiện đại. Trong tiếng cồng chiêng náo nức vui tươi, các điệu múa cứ liên tục diễn ra tưng bừng, hối hả.

Tiếp theo, ca sĩ Siu Black thể hiện bài hát “Đôi mắt Pleiku” với phong cách biểu diễn rực lửa, da diết đậm đà bản sắc Tây Nguyên như mời gọi bạn bè khắp nơi về thăm phố núi. Bài hát vừa kết thúc, một đoàn voi to lớn treo cờ của Việt Nam và các nước bạn Thái Lan, Myanmar, Philippines, Lào, Campuchia tiến đến lễ đài quỳ chào đại biểu và mấy chục nghìn người tham gia lễ hội. Tiếng cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên và các nước bạn cùng ngân lên rộn rã trong tình hữu nghị thắm thiết, bền lâu...

Đêm khai mạc kết thúc bằng màn pháo hoa rực rỡ, đồng thời cũng là lời mời gọi mọi người hãy đến với Tây Nguyên – một miền đất thanh bình với nhiều dân tộc anh em đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, mạnh giàu.

 Không gian cồng chiêng lạ mắt của dân tộc Thái.

Bài, ảnh: Lê Duy

Chương trình Fesival cồng chiêng Quốc tế những ngày tiếp theo:

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-11: 8h00: Trình diễn chỉnh chiêng tại Công viên văn hóa Đồng Xanh, Khu du lịch sinh thái (KDLST) Về Nguồn- TP Pleiku. 8-11h: Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai tại Hội trường 2-9, số 4-Hoàng Hoa Thám, TP Pleiku.

Ngày 14-11: 8h00: Trình diễn chỉnh chiêng tại Công viên Diên Hồng; 8h00: Trình diễn tạc tượng tại Công viên văn hóa Đồng Xanh- TP Pleiku; 8h00: Hội thảo “Sự biến đổi KT-XH và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực tại Hội trường khách sạn Hoàng Anh Gia Lai- TP Pleiku; 8h00: Trình diễn cồng chiêng của các dân tộc tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng và KDLST Về Nguồn, TP Pleiku. 9 - 11h00: Phục dựng Lễ đâm trâu mừng chiến thắng của dân tộc Ba Na, H. K'bang, tỉnh Gia Lai tại KDLST Về Nguồn- TP Pleiku; 20 - 22h: Giao lưu cồng chiêng giữa các đoàn   trong nước và quốc tế.

Ngày 15-11: 8h00: Trình diễn cồng chiêng của các dân tộc tại Công viên văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng và KDLST Về nguồn- TP Pleiku. 9 - 11h00: Phục dựng lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai, H. Chư Păh, tỉnh Gia Lai tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh; 20 - 21h30: Lễ Bế mạc Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai.