Án dân sự bị hủy, sửa-đâu là nguyên nhân và giải pháp
(Cadn.com.vn) - Đó là một phần nội dung trong cuộc hội thảo do TAND TP Đà Nẵng vừa tổ chức nhằm rút kinh nghiệm trong công tác xét xử, nâng cao chất lượng các bản án, phán quyết của TA. Trong các loại án bị hủy, sửa, có nhiều vụ là án dân sự.
Theo ông Trương Chí Trung, Chánh Tòa Dân sự (DS) TAND TP Đà Nẵng, năm 2011: Tòa DS có 5 vụ án bị TAND Tối cao hủy theo thủ tục giám đốc thẩm; năm 2012 có 9 vụ bị hủy; năm 2013 có 7 vụ bị hủy theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm, một vụ bị sửa toàn bộ vụ án. Đối với các TAND quận, huyện, từ tháng 10-2010 đến tháng 10-2013, qua giải quyết, xét xử 485 quyết định, bản án của TA quận, huyện do có kháng cáo, kháng nghị, Tòa DS đã hủy tổng cộng 73 vụ.
Các vụ án của Tòa DS bị TAND Tối cao hủy, sửa chủ yếu do các nguyên nhân như: Vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án; thiếu người tham gia tố tụng; vi phạm về thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ. Chẳng hạn, trong vụ kiện “Đòi nhà cho ở nhờ” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Hữu Thanh, bị đơn bà Nguyễn Thị Ngưu Lang (Q. Hải Châu). Ngày 30-4-1992, cụ Nguyễn Văn Ong lập hợp đồng tặng cho con gái là Nguyễn Thị Hồng Vân và chồng là ông Nguyễn Hữu Thanh phần nhà và đất đang cho bà Lang ở nhờ. Sau đó, ông Thanh, bà Vân khởi kiện đòi bà Lang trả nhà, đất nói trên nhưng bà Lang lại cho rằng nhà đất là tài sản chung của cụ Ong và vợ là bà Nguyễn Thị Long, trong đó một số đồng thừa kế (con của cụ Ong và cụ Long) đang định cư ở nước ngoài. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền của TAND TP giải quyết nhưng TAND Q. Hải Châu thụ lý là không đúng.
Một phiên tòa dân sự của TAND TP Đà Nẵng. |
Những trường hợp hủy, sửa án của TA quận, huyện cũng có các nguyên nhân: thụ lý không đúng thẩm quyền; xác định không đúng quan hệ pháp luật; thiếu người tham gia tố tụng; thu thập, đánh giá chứng cứ không đúng. Chẳng hạn trong vụ án “Buộc thực hiện giao trả nhà đất” giữa nguyên đơn ông Mai Đình Quang, bị đơn bà Bùi Thị Phương-ông Mai Đình Phú. Ông Quang khởi kiện yêu cầu bà Phương, ông Phú trả lại nhà, đất tại tổ 54 Phước Lý (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Lẽ ra trong quá trình giải quyết vụ án, TAND Q. Liên Chiểu phải căn cứ vào các chứng cứ thu thập được xác định nhà đất nói trên có thuộc sở hữu của ông Quang hay không, trên cơ sở đó chấp nhận hay bác yêu cầu của ông Quang nhưng TAND Q. Liên Chiểu đã tiến hành định giá nhà, đất, phân chia nhà đất bằng bản án trong khi ông Quang, bà Phương và các đương sự khác liên quan trong vụ án không có yêu cầu phân chia nhà đất, do đó TAND TP Đà Nẵng đã hủy toàn bộ bản án nói trên.
Ông Trương Chí Trung cho rằng, ngoài các yếu tố khách quan thì nguyên nhân chủ quan là do khi giải quyết, xét xử các loại vụ việc dân sự, thẩm phán chưa nghiên cứu kỹ và vận dụng các quy định của pháp luật vào từng vụ án cụ thể để xử lý. Một số thẩm phán chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ không kỹ, bỏ lọt chứng cứ, bỏ sót người tham gia tố tụng, đánh giá chứng cứ phiến diện, chủ quan dẫn đến việc ban hành quyết định, bản án không đúng, vi phạm tố tụng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất án dân sự bị hủy, sửa, theo ông Trung, trước hết cần đảm bảo 3 yếu tố đầu tiên khi tiến hành thụ lý các vụ việc dân sự, đó là: Xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của TA mình hay không? Quan hệ pháp luật được nguyên đơn khởi kiện là gì? Những người tham gia tố tụng trong vụ án gồm những ai? Trong quá trình giải quyết từng vụ, việc cụ thể cần phải tiếp tục xác định người tham gia tố tụng cũng như việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự gắn liền với quan hệ pháp luật kéo theo. Đối với các vụ việc liên quan đến nhà, đất, chia thừa kế, chia tài sản chung... bắt buộc phải xem xét thực tế, xác định tài sản tranh chấp đến thời điểm xét xử có thay đổi, biến động gì không. Khi tiến hành xem xét thực tế, định giá tài sản phải mô tả chi tiết tài sản tranh chấp, phải ghi hình, vẽ sơ đồ lưu vào hồ sơ vụ án, tránh việc sau khi xét xử sơ thẩm đương sự làm thay đổi hiện trạng ban đầu như trồng thêm cây, xây thêm công trình, vật kiến trúc... dẫn đến xu hướng hủy bản án.
Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi thẩm phán phải không ngừng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự.
Bài, ảnh: Nh.Hoàng