Báo Công An Đà Nẵng

Ấn Độ "chảy máu" cổ vật

Thứ tư, 30/09/2015 10:20

(Cadn.com.vn) - Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Ấn Độ Mahesh Sharma gần đây báo cáo trước Quốc hội về 8 trường hợp cổ vật bị đánh cắp khỏi các tượng đài và các bảo tàng quốc gia. Điều này một lần nữa nêu bật những vấn đề về việc mất trộm và buôn lậu kho báu nghệ thuật khỏi quốc gia Nam Á này.

Theo Global Financial Integrity - nhóm các nhà vận động có trụ sở tại Washington -  buôn bán bất hợp pháp tranh, tác phẩm điêu khắc, và các hiện vật khác là một trong những hoạt động hấp dẫn nhất thế giới, ước tính trị giá khoảng 6 tỷ USD/năm. Trong đó, Ấn Độ, với những di sản văn hóa nổi bật, trở thành "mảnh đất màu mỡ nhất".

Rất nhiều các cổ vật của Ấn Độ bị đưa lậu ra khỏi đất nước. Ảnh: Diplomat

4.408 cổ vật bị đánh cắp

Bất chấp sự tồn tại của Đạo luật cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật được đưa ra năm 1972, các cổ vật Ấn Độ trị giá hàng tỷ USD tiếp tục bị đưa lậu ra nước ngoài hoặc tích trữ trong các bộ sưu tập riêng.

Trong số này, kẻ buôn lậu táo bạo nhất là Subhash Kapoor, hiện đang bị xét xử ở bang miền nam Tamil Nadu. Năm 2011, Kapoor, chủ sở hữu của phòng trưng bày "Art of the Past" ở Manhattan, bị bắt tại Đức và sau đó bị dẫn độ sang Ấn Độ. Y được cho là bán tượng đồng Nataraja 900 tuổi với giá 5 triệu USD cho Thư viện Quốc gia Australia hồi năm 2008 và một tác phẩm điêu khắc tượng thần Shiva bằng đá 1.100 năm tuổi đến triển lãm Nghệ thuật New South Wales vào năm 2004.

Các nhà chức trách Mỹ - tịch thu 2.622 mặt hàng có giá trị 107,6 triệu USD từ các phòng lưu trữ của Kapoor ở Manhattan và Queens - mô tả y là tay buôn lậu cổ vật tham vọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hồi tháng 6, ASI (Viện khảo cổ học Ấn Độ) khai quật được một kho đồ cổ của Ấn Độ ở Singapore. Số hàng này được mua từ Kapoor, gồm 30 vật thể, trong đó có nhiều tượng và tranh có nguồn gốc từ thế kỷ thứ X. Hầu hết trong số này được phòng trưng bày của Kapoor bán cho Singapore trong giai đoạn 2007-2012.

Trong chuyến thăm đến Canada hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi được trao lại "Parrot Lady", tác phẩm điêu khắc 900 năm tuổi trị giá 10 triệu USD. Một số bảo tàng Mỹ ở Massachusetts và Hawaii cũng tuyên bố có 8 cổ vật quý hiếm bị lấy cắp từ Ấn Độ. Mặc dù New Delhi ký kết hiệp ước Công ước năm 1970 của UNESCO, các chuyên gia cho biết, rất khó để lấy lại các cổ vật đã rời khỏi đất nước. Theo Cục Thống kê tội phạm quốc gia, trong giai đoạn 2008 và 2012, có tổng cộng 4.408 vật thể bị đánh cắp từ 3.676 di tích được ASI bảo vệ trên khắp đất nước, nhưng chỉ có 1.493 vật thể được "trở lại".

Đi tìm lời giải

Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận yếu đuối của chính phủ Ấn Độ là nguyên nhân chủ yếu gây ra những lộn xộn hiện nay.

Cho đến nay, New Delhi chỉ quản lý một vài di tích; nhiều di tích thậm chí không thuộc bảo hộ của Nhà nước. Hàng trăm tòa nhà - chẳng hạn như các tu viện tuyệt đẹp ở Ladakh và vô số của các ngôi đền ở miền trung và miền nam Ấn Độ - không được bảo vệ. Vấn đề có thể tệ hại hơn bởi những lỗ hổng về pháp luật hiện hành, do đó hầu hết các vụ trộm không thể đưa ra ánh sáng hoặc không được thông báo. Một báo cáo hồi năm 2013 cho rằng, ASI chưa từng thu thập thông tin về các cổ vật của Ấn Độ bị bán tại Sotheby và Christie.

Chính phủ hiện đang chỉ đạo Ủy ban quốc gia về Di tích và cổ vật thống kê các cổ vật và chuẩn bị một cơ sở dữ liệu quốc gia. Ủy ban này cũng có nhiệm vụ thu hồi cổ vật nhập lậu, ngoài việc thúc đẩy nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ đồ cổ.

An Bình
(Theo Diplomat)