Báo Công An Đà Nẵng

Ấn Độ “dè dặt” đón Trung Quốc

Thứ năm, 18/09/2014 11:18

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định sẽ tìm kiếm tiến bộ nhưng “trong những quan ngại” với Trung Quốc khi chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 18-9.

Thủ tướng Ấn Độ sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 vào ngày 18-9 bằng bữa ăn tối riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm nhằm thiết lập giai điệu mới cho các mối quan hệ giữa hai cường quốc đối thủ Châu Á.

Theo AFP, khác với thông lệ, ông Tập Cận Bình đến thăm bang Gujarat trước và Thủ tướng Modi đón ông tại thành phố Ahmedabad, chứ không phải tại thủ đô New Delhi. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Tập đang vấp phải sóng gió khi chính quyền địa phương tại khu vực Leh cáo buộc xe cơ giới của Trung Quốc chở dân thường đã đi vào khu vực lãnh thổ Ấn Độ tại Demchok, thuộc Ladakh và ngăn cản dân địa phương triển khai thực hiện dự án tưới tiêu.

Trung Quốc là đối thủ

Bất chấp tư tưởng dân tộc cứng rắn, Thủ tướng Modi bày tỏ quyết tâm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, mong muốn có quan hệ đối tác phát triển chặt chẽ hơn với nước láng giềng này.

Tuy nhiên, ông muốn đồng thời tìm kiếm những tiến bộ về “các vấn đề quan ngại” bởi việc tìm được giải pháp cho những vấn đề này sẽ làm biến đổi môi trường quan hệ song phương. Trong đó, ông Modi nhấn mạnh, Bắc Kinh phải thể hiện sự “nhạy cảm”, tuân thủ nguyên tắc an ninh đối đẳng để thực hiện tiềm năng đầy đủ trong quan hệ Trung-Ấn. Ông Modi cũng tuyên bố xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và dự định theo đuổi chính sách đối ngoại cơ bắp hơn so với chính phủ tiền nhiệm.

Hai người hàng xóm này, đều được vũ trang vũ khí hạt nhân, từng trải qua cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1962 vì tranh chấp quyền kiểm soát Arunachal Pradesh ở phía đông dãy Himalaya, và hiện vẫn đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi gay gắt về chủ quyền biên giới. Chính phủ mới của Ấn Độ gần đây nới lỏng những hạn chế xây dựng trong khu vực 100km ở vùng biên giới tranh chấp, cho phép quân đội Ấn Độ xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng khác trong khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Tạm gạt qua những bất đồng, cả hai đang tập trung vào hợp tác kinh tế, trong đó Ấn Độ tìm kiếm nguồn tiền tài trợ từ Trung Quốc cho cuộc cải tổ đường sắt đổ nát và hợp tác về năng lượng hạt nhân. Hôm nay (18-9), cả hai dự kiến sẽ ký một loạt thỏa thuận song phương.

Cảnh sát Ấn Độ bắt giữ những người biểu tình Tây Tạng phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc hôm 17-9. Ảnh: Reuters

Còn nhiều chông gai

Thủ tướng Modi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông cũng rất thích mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản. Và các nhà phân tích nói rằng, ông có thể tận dụng sự cạnh tranh của Bắc Kinh với Tokyo để bảo đảm đầu tư từ Trung Quốc.

Trên thực tế, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Mumbai hôm 17-9 cho biết, ông Tập sẽ “cam kết đầu tư hơn 100 tỷ USD”, chỉ ra rằng, số tiền này gấp 3 lần số tiền mà Nhật Bản cam kết đầu tư cho Ấn Độ trong chuyến thăm của ông Modi hồi đầu tháng này. Ông Tập đến Ấn Độ sau Maldives và Sri Lanka, động thái nhằm khẳng định ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực truyền thống đã thuộc phạm vi ảnh hưởng của New Delhi.

Thậm chí, trước khi đến Ấn Độ, ông Tập công bố xây dựng thành phố cảng giá trị 1,4 tỷ USD cho Sri Lanka, lời nhắc nhở mạnh mẽ về vị thế của Bắc Kinh trong khu vực Ấn Độ Dương. Vì thế, Colombo tìm cách xoa dịu lo ngại của New Delhi bằng cách khẳng định mối quan hệ với Bắc Kinh dựa trên cân nhắc an ninh thương mại lớn hơn. Nhưng New Delhi vẫn lo sợ vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực là chiến lược có chủ ý bao vây Ấn Độ.

Ngoài ra, sự hiện diện của thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng Dalai Lama, cũng là đám mây đen phủ bóng lên quan hệ Ấn-Trung. Trong ngày ông Tập đến Ấn Độ, cảnh sát New Delhi bắt giữ khoảng 10 người biểu tình Tây Tạng phản đối Bắc Kinh bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc.

Khả Anh