Ấn Độ giải bài toán thiếu hụt năng lượng
(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận hạt nhân với Nhật Bản có thể là chìa khóa giúp Ấn Độ vượt qua khủng hoảng năng lượng kinh niên.
Cần thêm năng lượng
Các dự báo kinh tế vĩ mô do các tổ chức tài chính toàn cầu hàng đầu thế giới cho rằng Ấn Độ có khả năng lọt vào top 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào cuối thập kỷ tới. Tuy nhiên, một trong những rào cản đối với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển là thiếu hụt năng lượng. Ấn Độ hiện đang sản xuất hơn 1 triệu đơn vị điện mỗi năm, vẫn còn thiếu 3,6% so với nhu cầu. Ước tính Ấn Độ sẽ cần trên 1,5 triệu đơn vị điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng vào năm 2024. Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Ấn Độ khoảng 940 kWh, thấp nhất trên thế giới, trong khi của Trung Quốc là hơn 4.000 kWh. Nếu muốn đuổi kịp Bắc Kinh, New Dehli cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch.
Ấn Độ phụ thuộc chủ yếu vào than đá, chiếm 60% nhu cầu năng lượng của nước này. Do hạn chế về nguồn cung, Ấn Độ phải nhập khẩu than. Nếu muốn đáp ứng nhu cầu năng lượng, New Dehli cần đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cũng như năng lượng hạt nhân. Ấn Độ đang lên kế hoạch đầu tư hơn 100 triệu USD vào lĩnh vực năng lượng mặt trời trong 5 năm tới, qua đó tăng nguồn năng lượng mặt trời từ 4 GW lên 100 GW vào năm 2022.
New Dehli cũng đang tìm cách tăng thêm nguồn cung cấp năng lượng bằng cách xây thêm 20 lò phản ứng hạt nhân. Nhập khẩu uranium rẻ hơn so với nhập khẩu khí đốt, than đá, dầu mỏ. Điều này rất có ý nghĩa đối với một nước đang phải đối mặt với thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên.
Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam ở Ấn Độ. Ảnh: Diplomat |
Thách thức từ năng lượng hạt nhân
Thủ tướng Modi đã ký thỏa thuận hạt nhân dân sự với Nhật Bản trong chuyến thăm Tokyo gần đây. Trước đó, New Dehli đã ký thỏa thuận hạt nhân số 123 với Mỹ vào năm 2008. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với hai thách thức lớn trong việc xây dựng lò phản ứng mới. Đầu tiên, việc thu hồi đất là rất phức tạp và phải vượt qua các trở ngại pháp lý. Các đảng đối lập bác bỏ đề nghị sửa đổi Luật Đất đai của chính phủ vì cho rằng điều này sẽ tước đi sinh kế của nông dân.
Ngoài ra, trong lịch sử, các dự án hạt nhân của Ấn Độ luôn bị phản đối mạnh mẽ. Các cuộc biểu tình lan rộng khi nhà máy điện hạt nhân Kudankulam được xây dựng với sự hỗ trợ của Nga vì sợ rò rỉ phóng xạ. Các nhà vận động chống hạt nhân và những người dân địa phương không muốn những sự cố tương tự Fukushima và Chernobyl xảy ra tại Ấn Độ.
Hướng Trung hay hướng Nhật?
Việc Nhật Bản ký thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ấn Độ xuất phát từ việc các Cty Nhật Bản muốn cạnh tranh với các lò phản ứng chi phí thấp do Nga và Hàn Quốc xây dựng. Việc ký thỏa thuận là nhằm giải cứu các Cty như Toshiba và Hitachi, cho phép họ khôi phục các khoản đầu tư lớn. Hiện tại, các Cty điện hạt nhân Nhật Bản có một thị trường mới là Ấn Độ.
Tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng gần gũi một phần nhờ vào sự thay đổi của bối cảnh địa chính trị ở Nam Á và Đông Nam Á. Nhật Bản lo sợ sự thống trị của Trung Quốc và nhận thấy Ấn Độ là một đồng minh hoàn hảo có thể giúp mình đối phó với Bắc Kinh. Tuy nhiên, New Dehil lại đang cố gắng để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Bắc Kinh. Trung Quốc có thể giúp Ấn Độ trong lập cơ sở sản xuất, xây dựng hạ tầng, xây dựng các lĩnh vực năng lượng và hiện đại hóa hệ thống giao thông đường sắt. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang hành động chống lại lợi ích của Ấn Độ, bằng cách ngăn chặn New Delhi trở thành thành viên của Nhóm Cung cấp hạt nhân. Nếu tiếp tục chính sách này, Trung Quốc vô tình buộc Ấn Độ tìm lựa chọn khác để bảo vệ lợi ích của mình. Thỏa thuận hạt nhân với Nhật Bản là ví dụ mới nhất.
An Bình
(Theo Diplomat)