Báo Công An Đà Nẵng

Ấn Độ, Iran và phương Tây

Thứ ba, 11/11/2014 08:45

(Cadn.com.vn) - Tại sao sự phát triển của cảng biển Chabahar có thể là dấu mốc quan trọng đối với an ninh Châu Á?

Cuối tháng 10, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra quyết định cuối cùng, ủng hộ dự án cảng Chabahar của Iran nằm bên bờ biển Arab. Mặc dù thông tin về quyết định này bị lu mờ bởi những vấn đề nóng bỏng hơn như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và đại dịch Ebola... đây vẫn là bước phát triển đáng kể đối với an ninh Châu Á, và là hiện thân của một hướng đi mới đầy tự tin hơn trong chính sách đối ngoại của New Delhi.  Động thái này cũng giúp phương Tây có một đối tác đáng tin cậy để giúp đỡ trong các cuộc đàm phán với Iran.

Cảng biển Chabahar nằm ở Sistan và Baluchestan, tỉnh biên giới bất ổn của Iran tiếp giáp với Pakistan, cách Gwadar, dự án cảng lớn nằm trong khu vực Baluchistan của Pakistan gần 100km. Cảng Gwadar của Pakistan vốn hoàn thành vào năm 2006 với sự hỗ trợ của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh mở rộng đường ra Ấn Độ Dương. Việc ủng hộ Iran xây cảng Chabahar lần này của New Delhi cũng là nhắm mục đích vào Bắc Kinh, bởi lẽ, New Delhi không thể ngồi yên nhìn Bắc Kinh “làm mưa làm gió” ở Ấn Độ Dương.

Chính phủ Pakistan đang quan tâm phát triển lối thoát cho nguồn tài nguyên phong phú Baluchistan và tìm thấy tiềm năng thay thế cho Karachi, cảng lớn nhất nằm lượn lờ gần lãnh thổ Ấn Độ. Chabahar cũng đáp ứng tham vọng tương tự cho Iran, khi quốc gia Hồi giáo tìm cách phát triển kênh thay thế Bandar Abbas và các cảng lớn khác dọc eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư - đường thủy hẹp, dễ bị chặn - với vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương. Bằng cách phát triển cảng mới này cùng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, Tehran hy vọng sẽ dập tắt tình trạng bất ổn ở Sistan và Baluchestan, mở ra tuyến đường thương mại nối với đất liền Afghanistan và phần còn lại của Trung Á.

Ấn Độ có mối quan hệ tương đối ổn định và lành mạnh với Iran kể cả trước và sau Cách mạng Hồi giáo, chỉ xen kẽ vài trục trặc nhỏ, chẳng hạn như khi New Delhi bỏ phiếu chống lại chương trình hạt nhân của Tehran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trong năm 2009. Ở Afghanistan, cả Ấn Độ và Iran ủng hộ Liên minh phương Bắc do Tajik dẫn đầu trong những thập kỷ nội chiến sau khi Liên Xô rút quân (1988). Và trong một nghĩa nào đó, cả hai đều ở phía bên thua, khi Taliban do Pakistan hậu thuẫn nổi lên nắm quyền.

Taliban là kẻ thù của lợi ích Ấn Độ và Iran. Tehran và Taliban tiến sát chiến tranh vào năm 1998 sau khi nhóm chiến binh này sát hại các nhà ngoại giao và các nhà báo của Iran để trả thù vụ bắt giữ Mazar-i-Sharif. New Delhi cũng bị ảnh hưởng khi Taliban Afghanistan kích động các nhóm thánh chiến chống Ấn Độ sử dụng các khu trung tâm Pashtun làm cơ sở cho các cuộc tấn công khủng bố tại Kashmir và các nơi khác. Và giờ đây, cảng Chabahar mở ra hướng đi tốt hơn cho cả Ấn Độ và Iran ở Afghanistan.

Khi Mỹ và NATO  bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, nước này vẫn ở trong tình trạng bấp bênh, với chính phủ đầy chia rẽ và một Taliban ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Ấn Độ, Iran và phương Tây chia sẻ nhiều mối quan tâm tương tự trước vấn đề về Kabul. Sự xuất hiện của IS trên biên giới phía tây của Iran với Iraq và khả năng nhóm cực đoan mới nổi này kết hợp với Taliban ở Afghanistan và Pakistan là kịch bản mà Iran, Ấn Độ và phương Tây đang nỗ lực tránh xa trong tuyệt vọng.

Sự hòa dịu giữa Iran và phương Tây, tại một thời điểm khi những căng thẳng địa chính trị ở Tây và Nam Á đang ở đỉnh cao, có lẽ là mong đợi quá nhiều. Nhưng có lẽ đây là cơ hội vàng cho phương Tây và Iran cùng tiến lại gần nhau hơn qua trung gian Ấn Độ.

Thanh Văn