Ấn Độ - "Mặt trận thương chiến mới" của Mỹ ?
Mỹ đã "thắt chặt ốc vít" đối với một số đồng minh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu đang leo thang. Ấn Độ là mục tiêu mới nhất của Washington.
Dù tồn tại nhiều bất đồng về thương mại, Mỹ và Ấn Độ vẫn rất cần nhau để cùng phát triển. Ảnh: CNN |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31-5 tuyên bố sẽ chấm dứt đối xử thương mại đặc biệt đối với Ấn Độ, loại bỏ tình trạng miễn thuế hàng tỷ USD hàng hóa của nước này nhập khẩu vào Mỹ.
"Tôi đã xác định Ấn Độ đã không đảm bảo với Mỹ rằng họ sẽ cung cấp quyền tiếp cận công bằng và hợp lý vào thị trường của họ", ông Trump viết trong tuyên bố do Nhà Trắng ban hành. Theo đó, Ấn Độ sẽ bị chấm dứt cơ chế hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi Tổng quát (GSP) mà Mỹ dành cho nước đang phát triển kể từ ngày 5-6. GSP được đề ra nhằm giúp những nước đang phát triển xóa đói, giảm nghèo thông qua thương mại, nhờ vào việc miễn thuế một số sản phẩm được nhập khẩu vào Mỹ. Ngược lại, nước hưởng GSP phải cho phép Mỹ tiếp cận thị trường một cách công bằng và thỏa đáng. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Ấn Độ không bảo đảm được quyền lợi cho hàng hóa Mỹ ở thị trường nội địa, do đó sẽ không tiếp tục nhận được hỗ trợ từ GSP.
Hàng loạt lo ngại bắt đầu dấy lên. "Động thái này tạo thêm một mặt trận nữa cho các cuộc chiến thương mại toàn cầu của Trump", CNN bình luận. Trong khi đó, New York Times cảnh báo rằng quyết định của Tổng thống Mỹ "có thể gây ra một cuộc chiến thương mại khác với một quốc gia đồng minh". Dù mối quan hệ bị đe dọa, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, hai nước vẫn rất cần nhau.
Tại sao Ấn Độ cần Mỹ?
Một trong những ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Trump là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước trên thế giới, và mối quan hệ thương mại trị giá 142 tỷ USD của Washington với New Delhi đang bị nghiêng về phía Ấn Độ.
Theo dữ liệu của Nhà Trắng, năm 2018, Ấn Độ xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 54 tỷ USD sang Mỹ và mua vào hàng hóa trị giá 33 tỷ USD từ Mỹ. Chênh lệch này đã góp phần tạo ra mức thâm hụt thương mại lên tới 26,7 tỷ USD giữa hai nước trong giai đoạn 2017-2018. Hàng hóa đến Ấn Độ phải chịu mức thuế lên tới 150%. Ông Trump đã nhiều lần cảnh báo mức thuế quan của Ấn Độ đối với các sản phẩm như xe máy và rượu whisky nhập từ Mỹ, và quyết định thu hồi các đặc quyền thương mại đối với Ấn Độ sau nhiều khiếu nại từ nông dân Mỹ và các nhà sản xuất thiết bị y tế rằng thuế quan đang làm tổn hại đến xuất khẩu của họ. Một bất hòa khác là sự đàn áp của chính quyền Tổng thống Trump đối với thị thực lao động H-1B được sử dụng bởi ngành công nghiệp công nghệ Mỹ, phần lớn trong số đó dành cho công nhân Ấn Độ. Cuộc đàn áp đã tác động đến các Cty như TCS, Infosys và Wipro trong ngành công nghệ khổng lồ của Ấn Độ, vốn là một động lực lớn khác của thương mại song phương.
Nhưng Ấn Độ vẫn cần Mỹ, bởi Washington hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của New Delhi, sau Trung Quốc. Ấn Độ nhiều lần hoãn áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá hơn 200 triệu USD từ Mỹ trong những tháng gần đây, như một cách cảm ơn đối với việc Washington quyết định không áp thuế đối với thép và nhôm của họ từ năm ngoái. Chính phủ Ấn Độ hôm 1-6 cho rằng việc Mỹ chấm dứt cơ chế hưởng ưu đãi thuế quan GSP đối với New Delhi là "không may", và cho biết sẽ tiếp tục cố gắng vực dậy quan hệ song phương.
Mỹ cũng cần Ấn Độ?
Dù Ấn Độ chỉ là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 9 của Mỹ, nhưng thị trường rộng lớn của nước này mang đến cơ hội mà các doanh nghiệp Mỹ khó có thể bỏ qua.
Tiếp cận dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ là điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ. Các tên tuổi lớn như Amazon, Walmart, Google và Facebook đã đầu tư hàng tỷ USD vào nước này trong những năm gần đây. 600 triệu người dùng internet của Ấn Độ - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, trừ Trung Quốc - cũng là một lợi thế lớn cho Netflix, Uber và Disney. Là một phần của thỏa thuận gần đây với 21st Century Fox, Disney gần đây đã mua lại Hotstar, nền tảng phát trực tuyến lớn nhất Ấn Độ.
Nhưng chính phủ Ấn Độ áp đặt các hạn chế trong năm nay khiến nhiều Cty đang kinh doanh ở nước này gặp khó khăn. Bổ sung thêm các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các nhà bán lẻ nước ngoài đã làm tổn thương các Cty như Apple. Apple hiện vẫn tiếp tục nỗ lực để bán iPhone và mở các cửa hàng tại Ấn Độ. CEO Apple Tim Cook cho biết ông "rất lạc quan" đối với thị trường Ấn Độ.
Sửa chữa mối quan hệ
Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang mở nhiều cuộc chiến thương mại trên toàn cầu, đáng chú ý nhất là với Trung Quốc và Mexico, bất hòa với Ấn Độ có nguy cơ khiến Mỹ mất đi một đồng minh chủ chốt.
"Các nhà lãnh đạo của cả hai nước phải nhớ rằng đây là những lùm xùm ngắn hạn cần phải tránh, ngay cả khi chúng gây ra một mức tổn thất chính trị nào đó", Richard Rossow, cố vấn cấp cao và chuyên gia Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết. Các nhóm kinh doanh Mỹ cũng đang thúc giục hai nước giải quyết những bất hòa đang tồn tại. Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn lên tiếng phản đối quyết định loại bỏ Ấn Độ khỏi GSP. Chương trình ưu đãi thương mại "tạo ra lợi ích quan trọng cho cả Ấn Độ và Mỹ", Nisha Biswal, Chủ tịch hội đồng và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết trên Twitter. "Những vấn đề này có thể được giải quyết tốt hơn thông qua đối thoại", ông Biswal nhấn mạnh.
AN BÌNH