Báo Công An Đà Nẵng

Ấn Độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Thứ hai, 13/11/2017 08:17

Chính quyền New Delhi, Ấn Độ đã tuyên bố tình trạng ô nhiễm khẩn cấp và cấm mọi hoạt động xây dựng cũng như các xe tải trong bối cảnh thành phố đang hứng chịu đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất gần 20 năm qua.

Học sinh Ấn Độ dùng khăn bịt miệng khi đi bộ đến trường, hôm 8-11. Ảnh: CNN

Gấp gần 30 lần nồng độ cho phép

Mức độ ô nhiễm nghiêm trọng khiến giới chức ban hành lệnh cấm toàn bộ xe tải vào thủ đô, cũng như tạm dừng tất cả các công trình xây dựng dân dụng. Hàng triệu học sinh Ấn Độ được yêu cầu ở nhà và không ra ngoài trong thời điểm hiện tại. Hàng chục ngàn công nhân báo ốm và xếp hàng dài tại những quầy thuốc để mua khẩu trang. Các cửa hàng bán máy lọc không khí đông nghịt người. Sương mù đã che phủ phần lớn thành phố trong những ngày gần đây, làm giảm tầm nhìn, hạn chế giao thông, trì hoãn các chuyến bay và hạn chế tất cả nhưng hoạt động ngoài trời cần thiết.

Nồng độ bụi siêu mịn PM 2,5 (đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) ở mức 700 microgram/m3 khí, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nồng độ bụi siêu mịn tối đa 25 microgram/m3 khí. Bụi siêu mịn có thể chui xuống phổi và gây ra những bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp, đặc biệt với người hen suyễn. Theo đó, các bác sĩ cho rằng, việc hít thở trong bầu không khí như hiện nay có thể tương đương với việc người dân đang hút 50 điếu thuốc lá mỗi ngày và hậu quả sẽ rất khôn lường với lá phổi của họ.

Những con phố ở New Delhi ngập trong những màn khói bụi xám đặc. Cư dân thành phố cho biết, họ không thở được, chảy nước mắt, ho và hắt hơi liên tục. “Chúng tôi gọi sự ô nhiễm đó là thảm họa. Lời khuyên là mọi người ở nhà và làm việc tại gia”, ông K. Aggarwal, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Ấn Độ khuyến cáo. “Đây thực sự là cơn ác mộng. Con tôi thức dậy và ho liên tục như thể có ai đó xịt hạt tiêu vào cổ họng nó”, cô Tara Chowdhry nói và cho biết thêm: “Chúng tôi đang bị giam lỏng trong ngôi nhà của mình, cạnh chiếc máy lọc không khí”. Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ em. Mấy ngày trở lại đây, bệnh viện nhi Shishu Saddan ở phía tây New Delhi đón tiếp hàng ngàn bệnh nhân nhập viện vì hen suyễn, viêm phổi và viêm phế quản.

Mahesh Sharma, Bộ trưởng Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu  cho rằng mức ô nhiễm cao bất thường là do thiếu gió và độ ẩm cao, khiến khói mù quẩn lại, không thể khuếch tán.

Một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Ô nhiễm không phải là điều mới mẻ đối với 18 triệu cư dân New Delhi. Cứ mỗi mùa đông, mức độ ô nhiễm ở thủ đô và các thành phố lân cận tăng lên mức nguy hiểm. New Delhi được WHO cho là thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào năm 2014. Kể từ đó, nhiều thành phố khác của Ấn Độ “giành” mất “danh hiệu” này, New Delhi xếp thứ 14.

Arvind Kejriwal, quan chức của New Delhi, cho biết: “Thành phố đã trở thành một phòng khí độc”. Các chính trị gia và các quan chức đổ lỗi cho nông dân ở các bang Bắc Ấn Độ, họ đốt rơm rạ trên các cánh đồng. Thủ đô bị bao quanh bởi các trung tâm công nghiệp và nông nghiệp. Nếu không có gió, khu vực duyên hải của các thành phố như Mumbai và Chennai sẽ ô nhiễm. Ngoài việc đốt cây cối, vấn nạn ô nhiễm của Delhi cũng xuất phát từ khí thải công nghiệp, khí thải xe ô- tô, bụi đường

Một báo cáo của Viện công nghệ Ấn Độ Kanpur thực hiện vào năm 2014 cho thấy, ô-tô chiếm 20% mức bụi siêu mịn PM 2,5 hàng năm của New Delhi. Tuy nhiên, số xe ô-tô trên đường phố vẫn tiếp tục tăng. Theo thống kê của chính phủ, tổng số xe tại New Delhi vượt ngưỡng 10 triệu chiếc lần đầu tiên vào năm 2016.

Tại Vùng mở rộng của thủ đô New Delhi (NCR) - một khu vực rộng lớn bao gồm New Delhi, cũng như các huyện vệ tinh ở các bang lân cận Haryana, Uttar Pradesh và Rajasthan, với tổng dân số khoảng 46 triệu người, thiếu các phương tiện công cộng buộc người lao động phải lái xe đến thành phố làm việc, góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề.

Chính phủ hứng chỉ trích

Các quan chức bị chỉ trích về phản ứng chậm chạp đối với cuộc khủng hoảng.

Ông Anumita Roychowdhury, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường, cho biết, nhằm nâng cao chất lượng không khí, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm việc đóng cửa các nhà máy điện và lò gạch ở khu vực New Delhi, cũng như việc cấm dùng máy phát điện tư nhân vào những tháng mùa đông. Tòa án tối cao Ấn Độ cũng đưa ra lệnh cấm bán pháo trong dịp lễ hội Diwali. Tuy nhiên, theo ông Roychowdhury, còn rất nhiều việc phải làm để thay đổi có hệ thống, bên cạnh các biện pháp khẩn cấp. Một trong những biện pháp quan trọng là thay đổi nhận thức của công chúng.

Không giống như các thành phố ô nhiễm khác, như Bắc Kinh, ô nhiễm không khí vẫn chưa trở thành vấn đề chính trị ở New Delhi. Thay vào đó, người dân phải tự tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo cuộc sống. Ví dụ, hầu hết mọi người không tin tưởng vào chất lượng nguồn nước máy, họ sẽ mua máy lọc nước. Vì vậy, hiện giờ mọi người đang tìm mua máy lọc không khí. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng chi trả cho các giải pháp công nghệ cao.

 AN BÌNH