Báo Công An Đà Nẵng

Ấn Đô - Pakistan leo thang căng thẳng sau vụ tử hình gián điệp

Thứ tư, 12/04/2017 09:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-4, Tòa án Quân sự Pakistan đã kết án tử hình Tư lệnh Kulbhushan Jadhav của Hải quân Ấn Độ với tội danh tham gia vào các hoạt động gián điệp và phá hoại tại Karachi và Balochistan. Động thái này làm mối quan hệ New Delhi - Islamabad càng thêm căng thẳng.

Theo tuyên bố của lực lượng vũ trang Pakistan, Kulbushan Jadhav bị bắt hồi tháng 3-2016 “vì dính líu vào hoạt động gián điệp và phá hoại Pakistan”. Tuyên bố cho biết Jadhav thú nhận được Cơ quan Tình báo nước ngoài của Ấn Độ, Tổ nghiên cứu và Phân tích của Ấn Độ (RAW) giao nhiệm vụ “lên kế hoạch, phối hợp và tổ chức các hoạt động gián điệp nhằm gây bất ổn và chiến tranh chống lại Pakistan”. Tòa án Quân sự Pakistan tuyên án Jadhav phạm 2 tội gián điệp và kết án tử hình.

Ấn Độ phản ứng kịch liệt

Ấn Độ kịch liệt phản đối Pakistan. New Delhi tuyên bố cựu viên chức hải quân bị “bắt cóc” từ Iran và cho rằng việc tử hình ông là hành động “giết người có chủ ý”. Ấn Độ cho biết, các quan chức lãnh sự Ấn Độ bị từ chối tiếp cận Jadhav trong phiên xét xử và điều này vi phạm luật pháp quốc tế. New Delhi ngay lập tức triệu tập các nhà ngoại giao Pakistan để phản đối vụ việc. “Jadhav bị bắt cóc từ Iran hồi năm 2016 và sự hiện diện của ông ở Pakistan chưa bao giờ được giải thích một cách thỏa đáng”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Jadhav điều hành một doanh nghiệp ở Iran trước khi bị bắt tới Pakistan. Tuyên bố cho biết không có “bằng chứng đáng tin cậy” nào chống lại Jadhav và cho rằng việc tuyên án ông là “ngu xuẩn”.

Kulbushan Jadhav xuất hiện trong đoạn băng được công bố tại một cuộc họp báo ở Islamabad hồi tháng 3-2016. Ảnh: CNN 

Lịch sử phức tạp

Pakistan có một lịch sử lâu dài và phức tạp về các hoạt động gián điệp với Ấn Độ. Trong số đó có Ravindra Kaushik, một gián điệp người Ấn Độ đã thâm nhập vào cơ quan chính phủ Pakistan với vai trò thư ký dân sự vào năm 1979 và thu thập thông tin cho RAW cho đến khi ông bị một sĩ quan cấp thấp phát hiện vào năm 1983. Kaushik bị bệnh và chết vào năm 2001.

Một cái tên quan trọng khác là Kashmir Singh. Bị bắt năm 1973 và bị truy tố tội gián điệp, song ông luôn khẳng định mình vô tội. Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf sau đó đã ra lệnh ân xá cho Singh và ông được trả tự do. Tuy nhiên, khi vượt qua biên giới để trở về Ấn Độ, Singh công khai tuyên bố mình là gián điệp. Trường hợp này đã dẫn đến phản đối mạnh mẽ của công chúng Pakistan và dẫn tới quy định không ân xá cho các nghi phạm bị buộc tội gián điệp.

Gần đây nhất là Sarabjit Singh, một điệp viên Ấn Độ bị buộc tội gián điệp liên quan một loạt vụ đánh bom ở Pakistan, và bị giam ở Pakistan trong 22 năm. Singh sau đó chết trong nhà tù ở Pakistan sau khi bị các tù nhân tấn công.

Một điều đáng chú ý trong tất cả các trường hợp này là mặc dù bị kết án tử hình, cả 3 nghi phạm này đều bị án tù chung thân. Jadhav cũng có thể sẽ không bị treo cổ mà trở thành một “con tàu thương lượng” chính cho Pakistan với Ấn Độ.

“Đứng trước khủng hoảng”

Talat Hussain, nhà phân tích quốc phòng ở Islamabad nói rằng bản án đối với Jadhav có thể có “tác động rất lớn” đến Ấn Độ - Pakistan và làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng này.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã tăng lên trong những tháng gần đây với liên tiếp các vụ bạo lực xảy ra ở khu vực tranh chấp Kashmir. Hồi tháng 11-2016, Pakistan đã sơ tán hàng ngàn người khỏi khu vực Kashmir với lý do các “vụ pháo kích của Ấn Độ”. Điều đó xảy ra sau cuộc tấn công của các chiến binh khiến 18 người thiệt mạng. Tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi đẩy nhanh việc giải tỏa biên giới với Pakistan với lý do là những kẻ khủng bố đang sử dụng nó để thâm nhập vào đất nước này.

Quan hệ New Delhi- Islamabad suy thoái trong 2 năm qua, cho thấy việc tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vụ việc của Kulbhushan Jadhav dường như là không thể.

An Bình
(Theo CNN, Diplomat)