Ấn Độ và nỗi ám ảnh tân dược Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Ấn Độ sản xuất 1/3 lượng thuốc tân dược trên thế giới, song hơn 80% nguyên liệu thô để sản xuất thuốc được nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó mang lại cho người hàng xóm và cũng là đối thủ sự độc quyền về giá cả và nguồn cung cấp - nhiều đến nỗi hiện không có nhà sản xuất Ấn Độ nào có thể sản xuất các loại thuốc thiết yếu.
Những loại thuốc này bao gồm cả những thuốc giảm đau thông dụng nhất như paracetamol và aspirin hay thuốc kháng sinh như amoxicillin. New Delhi hiện lo lắng, trong trường hợp có tranh chấp với Trung Quốc, Ấn Độ có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế công cộng. Và New Delhi cần một kịch bản để tránh điều này.
Nhập khẩu tăng
Ấn Độ tăng gấp đôi lượng thuốc kháng sinh nhập khẩu từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Hoạt động thương mại hiện nay giữa hai nước trị giá hàng tỷ USD.
Hiện nay, không có nhà sản xuất nào trong nước sản xuất penicillin và các dẫn xuất, dẫn đến lo ngại về cuộc khủng hoảng y tế công cộng nếu Trung Quốc ngừng cung ứng. Các Cty dược ở Ấn Độ đổ lỗi cho chính phủ, cho rằng, hàng nhập khẩu giá thấp khiến nhiều nhà sản xuất phải đóng cửa.
Một số Cty dược phẩm như Eskay Pharmaceuticals hiện bỏ sản xuất các thành phần thuốc cho các nhà sản xuất thuốc khác, để sản xuất các công thức phức tạp hơn và sau đó xuất khẩu sang các thị trường phát triển ở Mỹ và Châu Âu.
"Trung Quốc ngày càng cạnh tranh tốt hơn. Các Cty Ấn Độ không có động lực để tiếp tục sản xuất", giám đốc điều hành Eskay Pharmaceuticals Ketan Shah nói. "Nhưng không phải là quá trễ. Nếu chính phủ hành động một cách nhanh chóng, mọi thứ có thể quay lại trong vòng chưa đầy 10 năm", ông Shah cho biết thêm.
Ấn Độ phải nỗ lực cải tổ ngành dược để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: BBC |
Xúc tiến đầu tư
Hiện, New Delhi quyết định bắt tay cải tổ. Ajit Doval, Cố vấn an ninh quốc gia gần đây cảnh báo, Ấn Độ nên có biện pháp xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ để có thể tự sản xuất các loại thuốc thiết yếu.
New Delhi muốn các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển nhà máy sản xuất sang Ấn Độ, và để điều này nhanh chóng được thực hiện, chính phủ thành lập các Cụm công nghiệp dược phẩm và hóa chất (SEZ) quy mô lớn. Đặc khu kinh tế Mangalore là cụm như vậy. "Cho tới nay, một trong những trở ngại chính khiến các Cty dược phẩm Trung Quốc không đầu tư là do cơ sở hạ tầng ở đây", doanh nhân Ravinder Sethi cho biết.
Tiềm năng đầu tư và phát triển ngành dược là rất lớn tại Ấn Độ. Theo một nghiên cứu của McKinsey, ngành dược phẩm của nước này trị giá 6 tỷ USD vào năm 2005 và 18 tỷ USD vào năm 2012, và dự kiến sẽ chạm mức 45 tỷ USD vào năm 2020.
Các nhà hoạch định chính sách không chỉ muốn Trung Quốc đầu tư sản xuất tại Ấn Độ, mà cũng đang đàm phán tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm của New Delhi tại nước láng giềng. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn cung ứng thuốc của Ấn Độ, mà còn giúp bù đắp chênh lệch thâm hụt thương mại ngày càng lớn giữa hai nước láng giềng.
Đảm bảo an ninh y tế
Nghị sĩ Ấn Độ MP Sanjay Jaiswal - chính trị gia và cũng là bác sĩ - nói rằng, đó là vấn đề đáng quan tâm của quốc gia, bởi nếu mối quan hệ với Trung Quốc không còn tốt, có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các thuốc thiết yếu.
"Tôi hỏi các quan chức Trung Quốc, tại sao họ không dùng dược phẩm của chúng tôi. Họ vẫn thích mua thuốc Châu Âu dù có giá cao gấp 3 lần so với các sản phẩm của Ấn Độ. Họ không cho phép ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ vào Trung Quốc", ông Jaiswal nói.
Liệu Trung Quốc có cho phép một số ngành công nghiệp của nước này chuyển hướng sản xuất sang Ấn Độ? Câu trả lời sẽ tác động sâu sắc đến khả năng đảm bảo an ninh y tế của New Delhi trong tương lai.
An Bình
(Theo BBC)