Ấn Độ và nỗi ám ảnh triệt sản
(Cadn.com.vn) - 11 phụ nữ Ấn Độ tử vong sau khi trải qua phẫu thuật triệt sản tại một trại y tế do chính phủ tổ chức ở bang miền trung Chhattisgarh. Phẫu thuật thắt ống dẫn trứng được thực hiện trên 83 phụ nữ chỉ trong 6 giờ. Các quan chức bác bỏ mọi cáo buộc sơ suất, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu chính sách kiểm soát dân số của Ấn Độ có sai sót gì?
2 năm, 4,6 triệu phụ nữ triệt sản
Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới với 1,27 tỷ người và dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2030 trở thành nước đông dân nhất thế giới. Lo ngại dân số tăng chóng mặt, New Delhi cố gắng thuyết phục người dân nên có một gia đình nhỏ, ít con.
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới giới thiệu chương trình kế hoạch hóa gia đình vào giữa những năm 1970 khi tung ra đại chiến dịch triệt sản dành cho nam giới. Ước tính, hơn 6 triệu nam giới được thắt ống dẫn tinh chỉ trong 1 năm, cho đến khi chiến dịch đổ vỡ do sự tức giận của người dân. Theo bác sĩ phụ khoa và nhà hoạt động vì sức khỏe, Puneet Bedi, kế hoạch hóa gia đình trở thành “nỗi ám ảnh” đối với người dân Ấn Độ.
Tuy triệt sản cho nam giới bằng phương pháp thắt ống dẫn tinh là một phẫu thuật đơn giản hơn nhiều, nhưng số nam giới thực hiện là thấp hơn rất nhiều so với phụ nữ. Trong xã hội gia trưởng, triệt sản nam vẫn chưa được chấp nhận, do đó chương trình kế hoạch hóa gia đình có truyền thống tập trung vào phụ nữ. Ước tính, 37% phụ nữ có chồng ở Ấn Độ đã triệt sản. Chỉ tính riêng trong năm 2011-2012, có 4,6 triệu phụ nữ triệt sản.
Tai nạn xảy ra khi phẫu thuật triệt sản trên 83 phụ nữ ở Chhattisgarh được thực hiện chỉ trong 6 giờ. Ảnh: BBC |
Được thưởng hậu hĩnh
Không giống như Trung Quốc, Ấn Độ không chính thức đưa ra chính sách một con nhưng từ lâu, nước này sử dụng chính sách thưởng và phạt để kiểm soát dân số.
Trong những năm qua, giới chức chính quyền khen thưởng lớn cho những người quyết định triệt sản. Những nhân viên y tế thuyết phục được nhiều phụ nữ triệt sản, cũng được khen thưởng. Ngược lại, những người từ chối dùng biện pháp này dù có nhiều con, sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế. Trả tiền cho người đi triệt sản là trái pháp luật ở nhiều nước, nhưng tại Ấn Độ, chính quyền các bang tiếp tục cho tiền những người đi thắt ống dẫn tinh và thắt ống dẫn trứng. Đôi khi, các ưu đãi rất lớn. Năm 2011, chính quyền Rajasthan đưa ra nhiều giải thưởng - xe máy, tivi, máy xay thực phẩm và thậm chí là cơ hội có được 1 chiếc Tata Nan, mẫu ô-tô rẻ nhất của Ấn Độ.
Những nguy hiểm
Đây không phải là lần đầu tiên phẫu thuật thắt ống dẫn trứng vấp phải sai lầm khủng khiếp. Trong năm 2012, 3 người đàn ông bị bắt giữ ở Bihar vì phẫu thuật cho 53 phụ nữ trong 2 giờ đồng hồ trên một cánh đồng mà không sử dụng thuốc gây mê.
Mặc dù chính quyền Ấn Độ nói rằng, phẫu thuật là tự nguyện, các nhà vận động nói rằng, phụ nữ bị ép buộc triệt sản. Nhiều phụ nữ bị chồng mình buộc đi triệt sản để được hưởng ưu đãi và trợ cấp. Theo bác sĩ Bedi, một số lượng lớn các ca phẫu thuật được thực hiện cùng một lúc giúp các quan chức đáp ứng mục tiêu kế hoạch hóa gia đình nhưng đầy nguy hiểm. Ngoài ra, hầu hết những người phụ nữ đến với các trại phẫu thuật này đều là người nghèo và ít học, do đó họ không lường trước những nguy hiểm mà mình có thể gặp phải.
Trong những năm qua, các chiến dịch nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình được đưa ra với các khẩu hiệu hấp dẫn, khuyến khích mọi người có ít con hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Bedi cho biết, thay vì lo lắng về việc kiểm soát dân số, Ấn Độ nên thực hiện mục tiêu ổn định dân số. Ông gợi ý rằng, chính phủ nên thực hiện chính sách dân số của riêng mình – “Dân số cần được kiểm soát, nhưng phụ nữ phải hiểu rằng, triệt sản là quyền lựa chọn của họ, chứ không phải là bắt buộc”.
An Bình
(Theo BBC)