Báo Công An Đà Nẵng

Ấn Độ với cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

Thứ tư, 09/12/2015 11:32

(Cadn.com.vn) - Chất lượng không khí ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ một lần nữa trở nên kinh khủng. Người dân ho, thở khò khè và nhiễm các bệnh hô hấp. Người dân ngày càng phẫn nộ với chất lượng không khí ngày càng tồi tệ. Người nước ngoài cũng lo lắng về tình trạng này. Một tòa án xem siêu đô thị lớn thứ 5 thế giới là một "buồng khí".

Thất bại

8,5 triệu ô-tô lưu thông trong thành phố là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm. Trợ cấp nhiên liệu khiến dầu diesel được tiêu thụ nhiều hơn.

Cách đây 15 năm, New Delhi từng quyết tâm làm sạch không khí bằng cách chuyển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, giới thiệu chương trình vận chuyển công cộng dựa trên khí tự nhiên lớn nhất thế giới, quy định tuổi thọ của các phương tiện thương mại dưới 15 năm, áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt EURO 4 và bắt đầu xây dựng một tàu điện ngầm hiệu quả. Nhờ đó, chất lượng không khí được cải thiện. Tuy nhiên, 8 năm trước, tất cả bắt đầu quay về vị trí cũ. New Delhi thất bại trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí.

Mặt khác, trong những năm qua, trong khi thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, thành phố cũng đang gánh chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đưa ra tiêu chuẩn khí thải cao hơn, giới hạn số lượng xe bán ra, cấm xe sử dụng dầu diesel đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm, New Delhi không làm gì cả.

New Delhi hiện là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: BBC

Hành động khẩn cấp

Những gì New Delhi cần phải làm để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay?

Trung Quốc lần đầu tiên báo động đỏ do ô nhiễm

Trung Quốc ngày 8-12 tuyên bố "báo động đỏ" do ô nhiễm, bởi Bắc Kinh sẽ chìm trong sương mù nghiêm trọng từ ngày 8 đến 10-12.

Theo BBC, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh phát cảnh báo đỏ về ô nhiễm, mức cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm không khí và khói bụi. Trường học tạm nghỉ, công trường xây dựng tạm ngừng hoạt động, cắt giảm 50% xe ô-tô cá nhân, các con đường cao tốc đến Bắc Kinh bị đóng cửa...

Thành phố cần mở rộng quy mô giao thông công cộng và chấm dứt tình trạng tắc nghẽn xung quanh ga tàu điện ngầm đồng thời cải thiện tuyến đường nối từ các ga này đến các khu phố. Áp đặt thuế tắc nghẽn và tăng phí đậu xe có thể giúp làm giảm chứng nghiện xe của người dân. Cắt giảm các khoản trợ cấp diesel hoặc đánh thuế cao đối với các loại xe sử dụng diesel. Chính phủ cần có hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải vào những ngày có nguy cơ ô nhiễm cao.

Tuy nhiên, những gì New Delhi đang làm trong mùa đông này khiến người dân phẫn nộ. Chính quyền địa phương cho rằng, xe tư nhân có biển số lẻ chỉ được phép hoạt động vào những ngày nhất định. Điều này khó có thể được thực hiện trong thành phố 18 triệu người. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn đề xuất đóng cửa các nhà máy điện, hạn chế chuyển động của xe tải và cấm đậu đỗ xe trên những tuyến đường nhất định.

Nhưng thất bại của New Delhi là không tìm cách thay đổi nguyên nhân gốc rễ. Sử dụng máy lọc không khí và mặt nạ sẽ không giúp giải quyết vấn đề. New Delhi nói riêng và Ấn Độ nói chung cần phải nghiêm túc bắt đầu thực hiện đạo luật không khí sạch toàn diện. Chính phủ không thực hiện việc cắt giảm trợ giá vốn chỉ mang lại lợi ích cho người giàu. Nhiều người cho rằng, New Delhi có xu hướng kết thúc "ô nhiễm" ở các tiểu bang và các thành phố lân cận.

Gia tăng ô nhiễm không khí là một thảm họa quốc gia, nhưng các phương tiện truyền thông và các nhà hoạch định chính sách có xu hướng xem đây chỉ là vấn đề của riêng New Delhi. Xem ra, thủ đô cần phải đánh thức dậy phần còn lại của đất nước.

An Bình
(Theo BBC)