Báo Công An Đà Nẵng

Ăn đúng, ăn lành, uống sạch phòng ngừa ung thư

Thứ sáu, 28/04/2017 11:33

(Cadn.com.vn) - Đây là khuyến cáo được đề cập tại hội nghị phòng chống ung thư TP Đà Nẵng lần 2-2017 do Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức vào ngày 27-4.

Tránh xa những tác nhân gây ung thư

GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc ung thư đều có xu hướng gia tăng ở phần lớn các nước trên thế giới. Toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Theo số liệu này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi…

Tuy ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và một số các ung thư phổ biến nhất, kể cả ung thư vú, đại trực tràng và cổ tử cung, có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Thậm chí đối với những ung thư giai đoạn muộn thì có thể chữa giảm đau cho người bệnh nâng cao chất lượng sống, làm chậm lại quá trình tiến triển bệnh, giúp người bệnh và gia đình đối mặt với căn bệnh này tốt hơn và từ đó giảm gánh nặng kinh tế-xã hội cho đất nước. Điều đó có nghĩa, một kế hoạch kiểm soát căn bệnh ung thư muốn thành công thì nhất thiết cần phải có một chương trình phòng chống ung thư hiệu quả.

GS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, cách phòng ung thư tốt nhất đó là ăn đúng, ăn lành, uống sạch, loại bỏ khói thuốc lá cả hút chủ động và hút bị động, tránh uống rượu quá đà, phòng tránh bệnh truyền nhiễm; tập thể dục đều, giữ cân vừa phải. Việc ăn uống không sạch chiếm 1/3 gánh nặng của bệnh ung thư. Ngày nay, người ta đã chỉ ra chế độ ăn uống không lành, thiếu vận động, béo phì đều gây bệnh tật đe dọa mạng sống như tim mạch, tiểu đường và ung thư... "Ung thư sẽ không còn đáng sợ nếu chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ được các tác nhân gây bệnh. Vì thế, mọi người hãy tránh xa những tác nhân đó, trừ những yếu tố về di truyền", GS Hùng nói.

Cũng theo GS Nguyễn Chấn Hùng, thời gian gần đây, có hàng chục bệnh viện và trung tâm ung bướu đã được xây mới và đưa vào hoạt động, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai, trong đó phải kể đến chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư khoang mũi họng ở hàng loạt các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, TT- Huế, Đà Nẵng... Tuy nhiên, công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu thực tế. GS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ: "Hiện nay chúng ta có tất cả các thiết bị, kỹ thuật hiện đại để điều trị như xạ trị, xạ phẫu, dao Gamma quay... Nhưng chúng ta cần chú ý đến tỷ lệ 40% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được. Chúng ta cần phải tuyên truyền điều đó để phòng ngừa giảm nhẹ thay vì phải điều trị cho những bệnh nhân nặng...".

Quy trình xét nghiệm sinh học phân tử EGFR trong hỗ trợ điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

 Tiếp nhận nhiều phương pháp điều trị mới

Theo Bs Nguyễn Út - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, hiện nay bệnh viện đã trở thành nơi khám, chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân trong cả nước. Theo thống kê, 30% số bệnh nhân là người dân Đà Nẵng, 70% còn lại là các bệnh nhân đến từ 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nếu như trước đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị 200-300 bệnh nhân thì đến nay con số đó đã lên đến 700-800 bệnh nhân. "Bệnh viện được thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch 550 giường bệnh nhưng hiện nay chúng tôi thực kê lên đến 750 giường nhằm đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người bệnh, hạn chế tối đa tình trạng nằm đôi, nằm ghép", Bs Nguyễn Út nhấn mạnh.

Cũng theo Bs Út, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới, nâng cao kỹ thuật, thực hiện chuyển giao, tiếp nhận nhiều phương pháp điều trị mới. Cuối năm 2016, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng triển khai đề án "Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020" giữa Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng với Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Với đề án này, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ được Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nhân bị ung thư... Mục tiêu của đề án là góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho đội ngũ cán bộ y tế và tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên được khám chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, để giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện K Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng và hoàn thiện mạng lưới phòng chống ung thư trong cả nước.

Cuối tháng 3-2017, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp nhận quy trình xét nghiệm sinh học phân tử EGFR trong hỗ trợ điều trị ung thư phổi. Đây là quy trình xét nghiệm sinh học phân tử tìm đột biến thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) trong ung thư phổi không tế bào nhỏ. Phương pháp này được thực hiện bởi công nghệ tiêu chuẩn Châu Âu. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng hiện là đơn vị duy nhất tại khu vực Đông Nam Á áp dụng phương pháp này. Bệnh nhân ung thư phổi ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung sẽ có cơ hội xét nghiệm miễn phí EGFR bằng hệ thống xét nghiệm tự động 100%, thay vì phải thực hiện xét nghiệm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mất nhiều thời gian và chi phí. Điểm nổi bật nhất ở công nghệ này là rút ngắn thời gian cho ra kết quả xét nghiệm từ 14 ngày so với công nghệ trước đây xuống còn 24 giờ và độ chính xác lên đến hơn 95%...

Lê Hùng