Ấn-Mỹ và chiến lược xoay trục Châu Á
(Cadn.com.vn) - Những động thái gần đây của Trung Quốc đang thúc Ấn Độ tiến gần hơn về phía Mỹ. Liệu New Delhi đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chiến lược xoay trục của Washington?
Người ta đang đặt nhiều hy vọng vào mối quan hệ gần đây giữa Washington với New Delhi trong bối cảnh Bắc Kinh đang khiến cho cộng đồng quốc tế thực sự quan ngại vì những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi. Thường xuyên bất hòa trong Chiến tranh Lạnh, sau đó là những tranh cãi trong tham vọng hạt nhân của Ấn Độ, Washington và New Delhi chưa bao giờ có một mối quan hệ ấm áp.
Mọi việc bắt đầu thay đổi dưới chính quyền Tổng thống G.W. Bush, sự chuyển đổi mang tính tượng trưng bởi thỏa thuận gây tranh cãi, theo đó cho phép Washington bán công nghệ hạt nhân dân sự cho New Delhi.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama từ khi lên nắm quyền vẫn tiếp tục con đường đi này. Tổng thống Obama thậm chí "vinh danh" Ấn Độ là "đồng minh tự nhiên" của Mỹ, trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta khẳng định, Ấn Độ là "trụ cột" trong trục Châu Á-Thái Bình Dương của Nhà Trắng.
Thật sự là có rất nhiều lý do để nền dân chủ lâu đời nhất thế giới và nền dân chủ lớn nhất thế giới hàn gắn, nhưng lý do quan trọng nhất mà ít ai biết đến: đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hiện nay, căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh đang có nguy cơ trở lại thời kỳ chiến tranh biên giới giữa hai bên vào năm 1962.
Trên thực tế, vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai cường quốc này vẫn chưa được giải quyết. Để theo kịp với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh, New Delhi cần hiện đại hóa lực lượng vũ trang, có nghĩa là vươn mình ra khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào Nga, để dần hướng đến Châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, Washington đang tìm cách để duy trì vị thế của mình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khi sức mạnh của Trung Quốc tiếp tục tăng đáng quan ngại. Nếu sự hợp tác giữa Mỹ-Ấn có ý nghĩa trên bàn giấy, mối quan hệ thực tế cho đến nay vẫn chưa được cải thiện quan hệ.
Có nhiều lý do giải thích tại sao những thành quả hợp tác chiến lược này vẫn tương đối khiêm tốn, từ bộ máy quan liêu của cả hai bên đến việc bán vũ khí tiềm năng, và thậm chí là khả năng sợ làm mếch lòng Trung Quốc.
Những người ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn giữa Washington và New Delhi thường xem Ấn Độ là cường quốc hàng hải vừa chớm nở và mong quốc gia Nam Á mạnh mẽ hơn. Nếu hải quân Ấn Độ mạnh hơn, họ có thể giúp tuần tra các tuyến đường biển quan trọng, ngăn chặn buôn lậu và phản ứng nhanh khi có thiên tai...
Tất cả điều này có thể giúp giảm bớt một số gánh nặng trên vai của Hải quân Mỹ. Nhưng vấn đề ở đây là Ấn Độ không mạnh về hải quân mà chỉ có sức mạnh trên bộ và giờ New Delhi bắt đầu mua tàu chiến và tàu ngầm mới với quyết tâm tăng cường năng lực hải quân.
Động thái không quá ngạc nhiên khi nước này nắm giữ vị thế của một trong số tuyến đường biển quan trọng nhất của thế giới, và đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Kinh đang làm mưa làm gió trên các vùng biển quan trọng của thế giới.
Thanh Văn