Báo Công An Đà Nẵng

An ninh biển lên bàn đối thoại Shangri-La

Thứ bảy, 31/05/2014 11:12

(Cadn.com.vn) - Tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, biển Hoa Đông bao trùm Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ XIII tại Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ngày 30-5 dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La.

Đối thoại Shangri-La với 5 phiên họp toàn thể tập trung vào các chủ đề: Đóng góp của Mỹ đối với ổn định khu vực; tăng cường hợp tác quốc phòng; quản lý những căng thẳng chiến lược; quan điểm của các cường quốc về hòa bình và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương; bảo đảm quản lý với sự thay đổi xung đột ở khu vực. Bên cạnh đó cũng có 5 phiên họp đặc biệt về thách thức việc duy trì và quản lý các vùng biển khơi; biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR)...

Shangri-La, diễn đàn an ninh liên quan đến Mỹ và các nước Châu Á, là hội nghị an ninh quan trọng và có uy tín nhất ở Châu Á. Đối thoại này càng đặc biệt trở nên quan trọng khi khu vực đang nguy cơ tiềm ẩn xung đột do những hành động đơn phương vô lý của Trung Quốc như: kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 đến vùng biển Việt Nam và tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu mở màn Đối thoại Shangri-La lần thứ XIII.
Ảnh: Reuters

NHẬT ỦNG HỘ VIỆT NAM, LÊN ÁN TRUNG QUỐC

Tâm điểm ngày khai mạc lần này là bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe, nhà lãnh đạo Nhật Bản lần đầu tiên có bài phát biểu như thế này tại Đối thoại Shangri-La.

Trong bài phát biểu được chờ đợi, Thủ tướng Abe cam kết ủng hộ Việt Nam và Philippines trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc sử dụng vũ lực và đe dọa nhằm thay đổi hiện trạng là “không thể chấp nhận”. “Nhật Bản sẽ ủng hộ hết mình những nỗ lực của các nước ASEAN nhằm đảm bảo an ninh trên biển, trên không, cũng như duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không…”, ông Abe khẳng định đồng thời cho biết đang nghiên cứu khả năng cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Thủ tướng Nhật cũng khẳng định muốn có những đóng góp lớn hơn đối với an ninh khu vực để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do sự quyết đoán vô lý của Trung Quốc. “Tôi muốn giải thích chi tiết những gì Nhật Bản có thể làm để đóng góp cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và toàn thế giới trong chiến lược ngoại giao và an ninh mới”, ông Abe nói. Thủ tướng Abe cũng bày tỏ hy vọng Bộ quy tắc ứng xử (COC) sẽ sớm được thực thi ở biển Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe thăm tất cả 10 nước thành viên ASEAN ít nhất một lần. Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ kinh tế lớn mạnh, ông Abe vẫn chưa đến Trung Quốc, chưa có bất kỳ cuộc gặp nào với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Rõ ràng, Tokyo muốn thúc đẩy vai trò lớn hơn cho an ninh Châu Á, động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Trong tình hình an ninh đáng quan ngại hiện nay, các quốc gia trong khu vực rõ ràng ủng hộ thông điệp của ông Abe. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những tiếng vỗ tay rời rạc, như sợ mếch lòng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả là tại Shangri-La lần này, Tokyo và đối tác Washington sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN.

Sau Nhật Bản, vào hôm nay (31-5), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ có bài phát biểu tại phiên họp về chủ đề “Đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực”. Trước cuộc họp, ông Hagel cho biết sẽ nêu vấn đề “chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang cường điệu và trình bày những thách thức mới, những căng thẳng mới cho khu vực này”.

TRUNG QUỐC VỚI “BÀN TAY SẮT BỌC NHUNG”

Đoàn đại biểu của Trung Quốc đến dự Shangri-La lần này do ông Wang Guanzhong, Phó Tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) dẫn đầu. Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh cũng có mặt tại Shangri-La.

Bà Phó Oánh được cho là “cha đẻ” của cách tiếp cận mềm mỏng hơn cho chính sách đối ngoại những năm 2000. Tuy nhiên, giờ đây, đã có “bàn tay sắt bên dưới găng tay nhung” này. Ở đỉnh cao tranh chấp biển Đông năm 2012 tại bãi cạn Scarborough, bà Phó Oánh cảnh báo Manila “không đánh giá sai tình hình” và “không leo thang căng thẳng mà không xem xét hậu quả”. Bà Phó Oánh cũng có những tuyên bố cứng rắn với Tokyo hồi đầu năm nay khi công khai chỉ trích quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. Rõ ràng, việc cử bà Phó Oánh làm trưởng đoàn đã nằm trong dụng ý của Bắc Kinh, nhằm tạo ra sự đối trọng đáng gờm với ông Abe. Với quan điểm ngoại giao cứng rắn, bà Phó Oánh được cho là sẽ mô tả Tokyo, chứ không phải Bắc Kinh, là mối đe dọa đối với an ninh Châu Á.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” vô lý ở biển Đông, một chiến lược xuyên suốt và tham lam. Không những vậy, Bắc Kinh còn sử dụng chiến lược “bẻ từng chiếc đũa” để  chia rẽ ASEAN. Và chiến lược này có thể sẽ được áp dụng tại Shangri-La lần này.

Khả Anh