Báo Công An Đà Nẵng

An Phước những ngày tháng Tám lịch sử!

Thứ năm, 19/08/2021 08:49

Tổng An Phước rộng lớn xưa, nay thuộc các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là nơi mà nhân dân đã tiến hành khởi nghĩa, cướp chính quyền thành công từ ngày 16-8-1945...

Bia di tích sân vận động An Phước- nơi nhân dân tập kết nghe lời kêu gọi khởi nghĩa, cướp chính quyền.

Theo cụ Trần Vệ (thôn Cẩm Toại, xã Hòa Phong), ngày ấy, tuy mới ở tuổi 14, 15 nhưng ông và nhiều bạn bè cùng trang lứa đã tham gia trong dòng người tiến về sân vận động An Phước để nghe cán bộ Mặt trận Việt Minh kêu gọi khởi nghĩa, rồi cùng hàng ngàn người khác đồng thanh hô vang các khẩu hiệu: “Việt Minh muôn năm!”, “Ðả đảo phát-xít Nhật!”, “Chính quyền về tay nhân dân!”. Sau đó, dòng người bừng bừng khí thế, xuôi ngược qua các làng Túy Loan, An Tân, Khương Mỹ, Nam Thành… cướp chính quyền. Có một điều ông không bao giờ quên, là mọi người lúc đó đi khởi nghĩa không có súng ống, đạn dược, mà chỉ có dao, gậy tầm vông, tay không và một tinh thần mạnh mẽ, một khí thế ngùn ngụt không thế lực nào ngăn cản nổi. Cái náo nức, hồ hởi, tin tưởng hiện hữu trên những gương mặt con người đã sạm tối vì đói rách. Chính quyền về tay nhân dân, niềm hạnh phúc, sung sướng vỡ òa. Chỉ qua một đêm, thân phận con người đã thay đổi. Từ nô lệ trở thành người tự do...

Còn trong ký ức cụ Nguyễn Công Chiến (thôn Hương Lam, xã Hòa Khương), lúc đó, người dân bị hà khắc, cơ cực, mất quyền tự do lại chịu cảnh “một cổ, hai tròng” nên rất căm thù giặc ngoại xâm cùng bọn cường hào, địa chủ. Khi có điều kiện thay đổi cuộc đời, giành lại độc lập thì sự căm phẫn ấy đã bùng lên giành chính quyền để từ đó, dân làng được sống trong độc lập, tự do nên ai cũng phấn khởi. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ: “Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” mọi người đều tích cực lao động sản xuất, luyện tập quân sự, tham gia đào hào, đắp lũy. Tối đến, mỗi người dân cầm trên tay một chiếc đèn dầu, rộn ràng đến lớp bình dân học vụ. Dần dần nạn đói qua đi, nhiều người dần trong làng bắt đầu biết đọc, biết viết… Làm cách mạng thời điểm ấy vừa khó, vừa dễ. Khó là bởi phải bí mật, lẩn trốn, bị bắt bớ, giam cầm; nhưng dễ vì được bà con tin tưởng, che chở, đùm bọc. Chính vì tin và theo nên khi có lệnh tổng khởi nghĩa, bà con ai nấy cũng vui mừng, hòa mình trong dòng người đi cướp chính quyền.

Bây giờ, nhớ lại một thời hào hùng, sôi nổi của tổng An Phước trong những ngày Tháng Tám lịch sử, lớp người cao niên không khỏi trào dâng xúc động nghẹn ngào và cả niềm tự hào vì đã trải qua những thăng trầm của đời người và đất nước. Bài học tin ở sức dân, dựa vào dân, không phân biệt thành phần giai cấp, tôn giáo, đoàn kết mọi người yêu nước, mọi tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đã tạo thành sức mạnh như triều dâng, thác đổ làm nên thắng lợi vĩ đại; góp phần giành độc lập, tự do cho Tổ quốc... “Có thể nói, từ lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, ngọn lửa tổng An Phước đã bùng cháy suốt 76 năm qua, bất chấp mọi cơn nguy biến của thời cuộc. Niềm tự hào của người dân tổng An Phước ngày ấy, nay đã được chính quyền các địa phương gìn giữ và đang tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới, thiết thực chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, ra sức xây dựng quê hương, làng xóm ngày thêm văn minh, giàu đẹp”, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Ngọc Thiên chia sẻ.

VY HẬU