Ân tình những lá trầu xanh
Những năm tháng đắm chìm trong màn đêm đen tối của thực dân phong kiến, 18 thôn vườn trầu ở đất phương Nam ngút ngát ngoài tầm mắt đã làm nên bao điều thần kỳ trong các cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc. Trầu không chỉ là nguồn sống mà còn là những cánh rừng bao phủ, chở che, nuôi dưỡng cho phong trào đấu tranh cách mạng nhưng nay màu xanh bạt ngàn ngày nào gần như chỉ còn trong ký ức.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng. |
Về thủ phủ trầu
Đã nhiều lần vào TPHCM nhưng chuyến đi vừa rồi tôi mới có dịp ghé tới vùng đất 18 thôn vườn trầu lịch sử. Thuở thiếu thời tôi đã từng đọc các mẩu chuyện về sự đấu tranh anh dũng, kiên cường về những con người xứ sở bạt ngàn màu xanh của rừng trầu bao la, tít tắp Hóc Môn-Bà Điểm. Bây giờ mới đặt chân tới, được tận mắt trông thấy nhịp sống đang sinh sôi, nảy nở từng ngày ở nơi đây cũng tất bật, hối hả không kém gì các khu vực nội thành. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên có lẽ cái màu xanh cay nồng, thơm ngát của rừng trầu mênh mông nằm trong các trang sách ngày xưa hiện tại chỉ là cổ tích. Ở ngay trên mảnh đất được mệnh danh là thủ phủ của trầu, trong tôi có sự chen lấn của vui, buồn về điều gì đó rất khó nói, bởi sự mất dần của các vườn trầu thì được đổi lại bằng kết cấu hạ tầng của phố xá thênh thang.
Vùng đất 18 thôn vườn trầu được bàn tay con người khai phá rất sớm. Từ năm 1698 đến năm 1731, trước sự phân tranh quyết liệt để nắm quyền cai trị của chúa Trịnh-Nguyễn đã gây bao đớn đau, khổ nhục, đồng bào các tỉnh miền Trung, miền Bắc phải dắt díu nhau vào đây lập nghiệp. Những năm đầu chỉ có 6 thôn, dần dà khai canh, lập cư tiếp 12 thôn, chủ yếu sống bằng nghề trồng trầu nên người ta gọi 18 thôn vườn trầu, lâu dần thành quen. Cứ tưởng cái tên 18 thôn vườn trầu sẽ tạo thành một xã theo địa lý hành chính, song hoàn toàn không phải thế. Các thôn này nằm trên phạm vi của tổng Bình Thạnh Hạ, Sài Gòn xưa, ngày nay chủ yếu địa phận huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần nhỏ thuộc huyện Củ Chi. Như vậy cái từ “thôn vườn trầu” không đồng nghĩa về diện tích đất đai như một ngôi làng vùng quê.
Các cụ cao niên ở đây kể rằng ngày xưa vùng đất Hóc Môn có nhiều cây cối rậm rạp, cọp dữ thường xuyên rình rập trong một số vườn trầu để bắt người ăn thịt nên mới có câu “dữ như cọp vườn trầu”. Cứ tờ mờ sáng hàng ngày, từng tốp từ 30-40 người kĩu kịt từng gánh trầu tươi xuống chợ Sài Gòn, Bến Nghé bán tới tối mịt mới quay về tưới trầu. Tôi ở ngay tại xã Bà Điểm, trung tâm của vùng đất 18 thôn vườn trầu đến mấy ngày và bảo người bạn chở đi tìm các vườn trầu nhưng anh lắc đầu: “Những người còn trồng trầu ở xã này bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Cứ bám vào các vườn trầu, những thân cau giá rẻ như bèo để nghèo suốt đời à?”.
Hóa ra, xã Bà Điểm bát ngát màu xanh của trầu thuở xưa bây giờ tìm vườn trầu nho nhỏ thật hiếm. Xã Bà Điểm ra đời từ thôn vườn trầu Tân Thới Nhứt. Vào thời Trương Định tập hợp lực lượng chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà bà lão trồng trầu tên Điểm nên mới có cái tên như thế. Những vườn trầu mướt mát trải qua hàng thế kỷ đã được nhổ bỏ để “phân lô, đô thị hóa” rồi kéo theo bao nhà cửa cao tầng san sát, các cơ sở sản xuất, các dịch vụ, thương mại… nhanh chóng ra đời làm thay da, đổi thịt không chỉ có xã Bà Điểm mà còn nhiều xã khác của huyện Hóc Môn.
Chợ Tiền Lân, xã Bà Điểm, nơi đây ngày xưa ngút ngàn màu xanh của trầu. |
Chiếc nôi của đấu tranh cách mạng
Năm 1859, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn-Gia Định. Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Anh Thủ, nhân dân 18 thôn vườn trầu đã nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, rạng sáng ngày 9-2-1885, hai ông Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá đã lãnh đạo nhân dân nơi đây nổi dậy tấn công vào huyện lỵ Bình Long (Hóc Môn) giết chết tên Đốc phủ sứ Trần Tử Ca làm tay sai cho Pháp vô cùng tàn ác, bởi “Từ khi giặc Pháp kéo sang/Giày đinh xéo nát trầu vàng của ta/Tay sai giặc đốc phủ Ca/ Giết người trong cối thịt da rụng rời/ Đường làng bao lá trầu rơi/ Mỗi thân cau một thân người trói theo…/ Cũng liều sống chết đứng lên/ Treo đầu phủ đốc ở trên cột đèn”.
Từ ngày Đảng ra đời và Trung ương Đảng nhận thấy Hóc Môn-Bà Điểm nằm sát trung tâm Sài Gòn, địa thế thuận lợi nên chọn làm căn cứ hoạt động và lãnh đạo cách mạng. Các năm từ 1936-1939, những nhà lãnh đạo kiên trung như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Khai đã được nhân dân Hóc Môn-Bà Điểm nuôi giấu, chở che để thực hiện chí lớn đối với đất nước. “Trùng trùng lưới thép bủa vây/ Ai đi tìm Đảng về đây mà tìm/ Trầu vàng che những cánh chim/ Trung ương Đảng ở trong tim vườn trầu”. Cũng tại xứ trầu Bà Điểm, Trung ương Đảng đã mở nhiều hội nghị quan trọng tại nhà các ông bà cơ sở như Nguyễn Thị Sóc, Nguyễn Thị Giả, Trần Văn Hy, Phan Văn Đối, trong đó Hội nghị lần thứ 6 vào tháng 11-1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã ra Nghị quyết chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Biết được vùng đất Hóc Môn-Bà Điểm là chiếc nôi cách mạng, căn cứ đầu não của Đảng, thực dân Pháp tăng cường lực lượng và tay sai bố ráp, càn quét và gây nhiều tội ác tày trời. Chỉ mỗi huyện Hóc Môn mà chúng xây dựng tới 3 trường xử bắn. Lúc đầu chúng dựng 1 trường bắn bên cạnh rạp hát trung tâm huyện lỵ, tiếp đến thêm 1 trường bắn bên giếng nước ở phía sau Bệnh viện Hóc Môn ngày nay. Mỗi khi hành hình các chiến sĩ cộng sản, chúng thường ép buộc, lùa dân đến chứng kiến để làm thui chột ý chí đấu tranh, song sự man sợ của chúng càng làm cho ngọn lửa thiết tha yêu nước và căm hờn của nhân dân Hóc Môn-Bà Điểm thêm bốc cháy hừng hực. Thấy không có tác dụng răn đe nên sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra sáng 23-11-1940, chúng lại xây thêm 1 trường bắn nữa tại Ngã ba Giồng, một nơi hoang vắng để bắn lén, tránh sự phản kháng của nhân dân. Các nhà lãnh đạo xuất sắc như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu và nhiều cán bộ khác đều bị chúng hành quyết tại các trường bắn này.
18 thôn vườn trầu bây giờ còn quá ít trầu cũng đúng thôi, bởi các xã Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì, Tân Hiệp… như có cảm giác đã lên phường chứ không còn chịu cảnh xã nữa do tốc độ phát triển đô thị quá nhanh chóng. Trước sự lần lượt “ra đi” của các vườn trầu, nhiều người chỉ còn đọng lại nỗi tiếc nuối. Chính quyền thành phố cũng đã chỉ đạo cho huyện Hóc Môn có biện pháp khôi phục, bảo tồn, gìn giữ nét đẹp của vườn trầu nhưng xem ra chẳng dễ bởi không còn ai muốn trồng nữa. Rồi đây, cái thôn cuối cùng của 18 thôn, đó là Tân Thới Nhứt, là xã Bà Điểm hiện tại đang còn một ít mảng xanh của trầu liệu thời gian tới có còn xanh nữa hay không?
THÁI MỸ