Báo Công An Đà Nẵng

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018:

An toàn lao động - cần toàn diện và đồng bộ (Kỳ cuối: Giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn lao động)

Thứ ba, 15/05/2018 11:43

"An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là vấn đề vô cùng quan trọng, vì nếu thực hiện tốt công tác ATVSLĐ sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố"... đó là phát biểu của đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng trong Lễ Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018...

Dù làm việc trong điều kiện nguy hiểm nhưng NLĐ không sử dụng bất cứ thiết bị bảo hộ lao động nào   (ảnh chụp tại một công trình xây dựng).

ATVSLĐ là vấn đề liên quan trực tiếp đến đến tính mạng, sức khỏe của người lao động (NLĐ). Xuất phát từ tầm quan trọng này mà Nhà nước quy định nghiêm ngặt các chế độ, chính sách về ATVSLĐ, từ khâu ban hành văn bản pháp luật đến tổ chức thực hiện và xử lý các vi phạm. Nhà nước giao cho cơ quan có thẩm quyền lập chương trình quốc gia về ATVSLĐ, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm về ATVSLĐ và các đơn vị sử dụng lao động có nghĩa vụ cụ thể hóa các quy định này cho phù hợp với đơn vị mình và nghiêm chỉnh thực hiện các quy định này. Bên cạnh đó đòi hỏi NLĐ phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về ATVSLĐ.

Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 18.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,43%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,83%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 96,28% và hợp tác xã chiếm 0,47%, bình quân hàng năm có hơn 2.000 doanh nghiệp thành lập mới, với 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao. Ông Võ Văn Tiến- Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng) cho hay: Trên thực tế, các quy định của pháp luật liên quan đến ATVSLĐ đã được các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn quan tâm đầu tư trang thiết bị an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Các chế độ, chính sách về ATVSLĐ đã được quan tâm thực hiện như: trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp... công tác tuyên truyền, huấn luyện về công tác ATVSLĐ được duy trì thường xuyên. Do vậy, trong những năm qua số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nói chung và số vụ TNLĐ nghiêm trọng (chết người hoặc bị thương nặng từ 2 người trở lên) trên địa bàn đã được hạn chế so với quá trình đô thị hóa nhanh của thành phố và sự phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao dễ xảy ra TNLĐ. Đối với các cấp, các ngành quản lý nhà nước và quản lý cấp trên doanh nghiệp và bản thân các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trên địa bàn với quy mô hoạt động ngày càng tăng. Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác ATVSLĐ, tổ chức tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho hàng nghìn cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn, công nhân lao động, thực hiện hàng chục lượt kiểm tra và tự kiểm tra ATVSLĐ. Tuy nhiên xét về quy mô, các hoạt động trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đối với số lượng doanh nghiệp phát triển hiện nay, vẫn còn một tỷ lệ khá lớn doanh nghiệp chưa được tuyên truyền, tập huấn các quy định về ATVSLĐ.

Có thể nói rằng, việc tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, điều kiện làm việc của NLĐ ngày càng được cải thiện, tình hình ô nhiễm môi trường từng bước đã được khắc phục. Việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ ngày càng nâng cao, được phổ biến sâu rộng tới NLĐ. Tuy nhiên, thực trạng chung của công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều tồn tại, theo số liệu phân tích của những năm gần đây có đến 65% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có TNLĐ chết người đã không thường xuyên tự kiểm tra ATVSLĐ, không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại và nguyên nhân xảy ra TNLĐ chết người là do phía người sử dụng lao động không huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; không có quy trình, biện pháp ATLĐ, không có thiết bị an toàn, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Bên cạnh đó, NLĐ lại mắc phải lỗi như vi phạm quy trình, biện pháp ATLĐ, không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân nên dẫn đến những hậu quả đau lòng. Do vậy, tình hình TNLĐ nghiêm trọng vẫn còn tiềm ẩn và có thể xảy ra ở nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp, thậm chí có xu hướng gia tăng nếu các doanh nghiệp, người sử dụng lao động không nhận thức đầy đủ về tầm quan trong của công tác ATVSLĐ, không thực hiện việc xác định các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để đưa ra biện pháp kiểm soát, phòng ngừa.

Để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, chủ động ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn thành phố đặc biệt là TNLĐ nghiêm trọng, một số giải pháp được đặt ra. Trong đó, đối với các  sở, ban, ngành, các địa phương triển khai thực hiện tốt Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm, qua đó thường xuyên duy trì công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: in tờ rơi, pa-nô, áp phích, phát thanh, truyền hình... tạo nhận thức cho người sử dụng lao động, NLĐ và toàn xã hội trong việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến ATVSLĐ và các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong làm việc, cải thiện điều kiện lao động...; Tổ chức huấn luyện, hỗ trợ huấn luyện cho doanh nghiệp, cho NLĐ, đặc biệt là lao động không có hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng hệ thống ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Triển khai công tác ATVSLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động;  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí chế tạo, hóa chất, sử dụng điện...; Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động, thì cần rà soát lại công tác ATVSLĐ và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của nhà nước về ATVSLĐ, đặc biệt là Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn.

TNLĐ và bệnh nghề nghiệp xảy ra sẽ mang lại những hệ lụy nặng nề cho xã hội. Nó không chỉ làm cho cuộc sống của NLĐ khánh kiệt mà còn tác động không nhỏ đến công việc kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta ai cũng hiểu được mọi TNLĐ và bệnh nghề nghiệp đều có thể phòng tránh, nếu doanh nghiệp quan tâm đến hệ thống quản lý an toàn, biết kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, tất cả NLĐ biết tuân thủ các nội quy, quy trình và biện pháp làm việc an toàn. Để làm được điều này, cả NLĐ và người sử dụng lao động cần phải nhận thức rõ hơn về những rủi ro cũng như làm thế nào để giảm thiểu rủi ro... và có làm được điều này thì mới kỳ vọng ngăn ngừa, hạn chế được TNLĐ trên địa bàn thành phố.

TRANG TRẦN