An toàn thực phẩm - cần có chuyển biến rõ nét
Ngày trước, uống nước dừa mặc nhiên là được dùng loại thức uống sạch nhất, an toàn nhất nhưng bây giờ điều này không đúng nữa.
Sáng 4-4 vừa rồi, Phòng CSMT CAT Quảng Nam phát hiện một cơ sở sản xuất dùng hóa chất không rõ nguồn gốc (tại P. Điện Ngọc, TX Điện Bàn) để ngâm quả dừa. Tại đây hàng trăm quả dừa được bóc vỏ, cho vào thùng ngâm hóa chất tẩy trắng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn và chợ đầu mối Đà Nẵng. Bên cạnh còn có hàng chục tấn dừa được nhập từ các tỉnh phía Nam về để “chế biến” và đưa đi tiêu thụ. Được biết, việc ngâm dừa vào hóa chất tẩy trắng kéo dài trong suốt 2 năm qua, chủ cơ sở khai nhận đã mua hóa chất tẩy trắng này tại một cửa hàng ở Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 30-3, đoàn liên ngành do Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng chủ trì kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến đậu khuôn trên địa bàn. Tại lò đậu khuôn của ông Đinh Bá Thủy (P.Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê), đoàn kiểm tra chứng kiến khu vực làm đậu ẩm thấp, rêu mốc, nằm chung với bếp ăn và cả nhà vệ sinh. Các dụng cụ nấu nướng, chuẩn bị sản xuất nằm hẳn trong khu vực toilet rất dơ bẩn. Cơ sở này không có giấy phép theo quy định. Đợt này, đoàn liên ngành đã phát hiện và đình chỉ hoạt động một số lò đậu khuôn tại Q. Thanh Khê có các vi phạm quy định ATTP tương tự.
Những vụ việc vừa xảy ra tại địa bàn hoặc có liên quan đến Đà Nẵng tuy không phải là vi phạm điển hình song cũng cho thấy các vi phạm về ATTP trên địa bàn TP và cả nước chưa bao giờ... hết nóng!
Những năm gần đây, thực phẩm bẩn tràn lan trở thành mối lo ngại thường trực. Đã xuất hiện những nông dân xưa chân lấm tay bùn với ruộng đồng nay đã biết dùng chất kích thích tăng trưởng để trồng rau quả, chăn nuôi; tưới dầu nhớt cho rau, tẩm hóa chất để giữ cho các loại trái cây tươi lâu hoặc mau chín; một số ngư dân đã biết tẩm hóa chất “biến” tôm cá ôi thiu trở nên tươi ngon, dùng chất độc hại chế biến nước mắm, nước tương. Nhiều người đã biết cách “tân trang” hàng chục tấn nội tạng động vật bốc mùi rồi đưa đến các nhà hàng; gia cầm được giết mổ rồi nhúng màu công nghiệp để có màu vàng bắt mắt... Tác hại do các loại thực phẩm ấy gây ra cho con người là không thể lường hết!
Còn có tình trạng sử dụng cách trồng rau, cách nuôi gia súc gia cầm sạch để dùng và nuôi, trồng thực phẩm bẩn để... bán; tẩm hóa chất giữ hàng hóa lâu mà không ôi thiu nhằm triệt để thu lợi nhuận. Trong xu thế hội nhập và lưu thông hàng hóa rộng khắp như hiện nay, cách nghĩ, cách làm như vậy gây hậu quả khốc hại, bởi ai cũng tìm cách đẩy thực phẩm bẩn về phía người khác mà quên rằng họ cũng là nạn nhân của hành vi đó.
Các nhà khoa học khẳng định: Khi ăn thực phẩm bẩn, phản ứng rõ nhất là ngộ độc, về lâu dài người bệnh có thể đối mặt với những căn bệnh mạn tính, lâu ngày gây đột biến gen - ung thư xuất hiện. Riêng về bệnh ung thư, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư. Một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng này là do sử dụng thực phẩm bẩn. Còn nhớ kỳ họp Quốc hội năm 2017, một ĐBQH đã phải thốt lên: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế”.
Chúng ta thực sự bất an và đau xót trước thực trạng này.
Công tác tuyên truyền để người dân hiểu tác hại về thực phẩm bẩn vẫn được tiếp tục, song cần phải thấy rõ rằng thời gian qua chúng ta đã nói nhiều nhưng chưa đủ sức mạnh để ngăn chặn hành vi sản xuất, lưu thông thực phẩm bẩn. Đã đến lúc phải dùng biện pháp thật mạnh mẽ trong xử lý để ngăn chặn, răn đe sai phạm trên lĩnh vực này. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra xử phạt thật nặng, cần thiết đình chỉ vĩnh viễn các cơ sở có hành vi vi phạm ATTP gây tổn hại sức khỏe con người. Nếu vướng các hình thức xử lý, có thể nghiên cứu tiếp tục ban hành các quy định, điều luật tương xứng để nghiêm trị.
Cơ quan chức năng cần làm mạnh tay hơn nữa đối với cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến, tàng trữ, lưu thông, kinh doanh thực phẩm bẩn. Cần phải thành lập đường dây nóng, có chế độ thưởng người báo tin về thực phẩm bẩn. Quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu các địa phương hoặc các cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra giám sát nhưng để xảy ra các vụ vi phạm ATTP kéo dài. Đặc biệt, cần thẳng tay loại ngay các cá nhân được xác định có hành vi bao che, dung túng hoặc tiếp tay cho các vi phạm về ATTP.
Đà Nẵng là địa phương thứ hai được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP, bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2018. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm. Với việc thí điểm mô hình này, người dân đòi hỏi được nhìn thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn Đà Nẵng. Sự chuyển biến đó được thể hiện từ việc rất gần gũi như đảm bảo ATTP trong mỗi bữa ăn gia đình đến chuyện hiện thực hóa tiêu chí cụ thể quyết tâm chính trị của lãnh đạo TP xây dựng “Thành phố 4 an”, trong đó “an toàn vệ sinh thực phẩm” là 1/4 mục tiêu quan trọng.
Muốn tạo ra sự chuyển biến rõ nét về ATTP, không phải là hội họp trống giong cờ mở, không chỉ là việc xác lập các kế hoạch, phương án kiểm soát thực phẩm ở nơi làm việc, mà quan trọng hơn là cán bộ phải vi hành, thực phẩm bẩn phải được ngăn chặn!
NGUYỄN ĐỨC NAM