Báo Công An Đà Nẵng

Ấn tượng với sản vật núi rừng

Thứ ba, 24/07/2018 18:15

Đến với Lễ hội văn hóa thể thao miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ 19 đang diễn ra tại H.Nam Giang, nhiều người tham quan vô cùng ấn tượng với những gian hàng trưng bày, triển lãm sản phẩm ẩm thực và trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc. Trong đó, loại bánh được người Cơ Tu rất ưa chuộng là bánh sừng trâu, cũng là món bánh chọn lựa để thết đãi du khách, đại biểu tại Lễ hội. Cũng làm từ nguyên liệu gạo nếp nhưng loại nếp nương được trồng nơi đại ngàn khiến món bánh thêm phần đặc biệt. Chiếc bánh nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay, hấp dẫn ngay từ hình dáng giống chiếc sừng trâu thu nhỏ, thon gọn nhưng cứng rắn, có màu xanh đậm của lá rừng. Ngoài tên phổ biến là bánh sừng trâu, người Cơ Tu còn gọi là Avị Acuốt hoặc Ccót, bánh đót... Bánh sừng trâu được làm từ gạo nếp nương proong, thơm dẻo, vị béo bùi, chỉ có ở vùng miền núi Quảng Nam và được bọc bên ngoài bằng lá đót. Chị Alăng Thị Mai (trú Tà Bhing, H. Nam Giang) chia sẻ: “Sở dĩ  gọi là bánh sừng trâu bởi vì hình dáng khi gói sẽ được ép theo hình chiếc sừng. Hai chiếc sừng trâu sẽ được buộc lại thành một cặp. Khi chín, bóc lớp vỏ bánh sừng trâu ra vẫn vương màu xanh của lá đót nhuộm, mùi hương hòa quyện giữa gạo nếp nồng nàn và mùi lá thơm mát đặc biệt”. Nhìn thì đơn giản nhưng công thức làm bánh sừng trâu lại khác biệt rất nhiều so với bánh gạo nếp ở miền xuôi. Khác với bánh chưng, bánh tét, để làm bánh sừng trâu không cần phải ngâm gạo trước khi gói và không cần nhân bánh, vị ngọt tự nhiên của nếp nương chính là hương vị khiến người ăn nhớ mãi. Sau khi gói, bánh sẽ đem ngâm trong nước lạnh khoảng hai giờ cho gạo nếp ngấm nước, mềm hơn. Và “bí quyết” của người Cơ Tu chính là ngâm bánh ở đầu những con suối sạch sẽ. Sau đó là khâu luộc bánh chừng hai đến ba giờ. “Người Cơ Tu chúng tôi không chỉ xem con trâu là đầu cơ nghiệp mà còn là vật tế thần, lễ vật tâm linh của người Cơ Tu,  gửi gắm tâm nguyện có được cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, buôn làng bình yên. Bánh sừng trâu được làm vào những vụ mùa, lễ hội và mâm cúng cũng là chiếc cầu nối của người Cơ Tu với thần linh, đất trời”, chị Mai chia sẻ.

Những chiếc bánh sừng trâu là đặc sản của người Cơ Tu miền núi Quảng Nam.

Ngày nay, những sản phẩm thủ công làm từ tre nứa rất nhiều, nhưng để có được sản phẩm đan lát đặc biệt, bền chặt và tỉ mỉ phải đến vùng cao Bắc Trà My. Không giống như nhiều dân tộc khác, người Ca Dong, người Cor ở Bắc Trà My không sử dụng sản phẩm đan lát cho mục đích thương mại. Những sản phẩm được họ làm ra chủ yếu dùng để trao đổi trong cộng đồng buôn làng hoặc biếu, tặng khách quý trong dịp Tết, lễ hội, thể hiện tấm lòng hiếu khách. Cũng như người Ca Dong, kỹ thuật đan lát truyền thống của người Cor ở Bắc Trà My cũng rất đa dạng. Đồng bào thường chọn kiểu đan tùy theo công dụng của sản phẩm, như đan garác héc (mâm dùng cúng lễ) là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đan lát truyền thống của người Cor khi sử dụng chất liệu cật tre và mây cám vót mỏng đều nhau, kết hợp khá mềm mại, tinh xảo. Cây mây cám, mây song dài suôn đến tre, nứa, lồ ô được tuyển chọn không già quá, không non quá, không cụt ngọn. Khi mang về nhà không được để quá lâu vì cây khô sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp.

Là đặc sản của vùng cao nhưng cùng với đổi thay của đời sống hiện đại truyền thống nghề đan lát, làm bánh hay dệt thổ cẩm, nấu rượu đã ít nhiều mai một trong đời sống hằng ngày của đồng bào. Thế nhưng không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu của con người, mà những sản vật này còn là cái hồn dân tộc, gắn kết cộng đồng. Tiếc là chúng ta chỉ còn nhìn thấy qua những mùa lễ hội hiếm hoi mà thôi.

ĐỒNG DAO