Anh có thể “thoát nạn” Brexit?
(Cadn.com.vn) - Mặc dù người Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit (rời khỏi Liên minh Châu Âu – EU), nhưng giới làm luật Anh đang tìm kiếm giải pháp “câu giờ” trong việc bắt đầu tiến trình này, thậm chí có thể vô hiệu hóa Brexit. Liệu Anh có thể “thoát nạn” Brexit hay không?
Điều 50 của Hiệp ước Lisbon
Brexit là cú sốc đối với nhiều người, nhưng kết quả trưng cầu dân ý tự nó không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý theo luật pháp và không phải là động lực để thúc Anh “ly hôn” ngay với EU. Nói cách khác, Brexit phải được thực hiện theo đúng quy trình đã nêu trong Điều 50, Hiệp ước Lisbon. Đơn giản hơn, cuộc trưng cầu lần này chẳng làm thay đổi về mặt pháp lý mà chỉ mang tính chính trị.
Điều 50 là cơ sở để Anh chấm dứt “duyên nợ” hơn 40 năm với EU. Theo đó, một khi Thủ tướng Anh đã đưa ra thông báo, thời gian giới hạn để Anh rời EU là 2 năm. Thời gian này cũng có thể được gia hạn với sự chấp thuận của 27 nước thành viên còn lại. Nếu không được chấp thuận gia hạn, Anh sẽ không còn là thành viên của EU trong vòng 2 năm tới trừ khi có các thông báo khác được đưa ra. Viết trên tờ The Times, luật sư Lord Pannick cho rằng, việc Quốc hội ban hành luật để cho phép Anh thực hiện Brexit theo Điều 50 là rất quan trọng. Nếu không có luật, thủ tướng không thể đưa ra thông báo rời khỏi EU một cách hợp pháp. Ngược lại, nếu thủ tướng tự ý hành động theo đặc quyền sẽ không tuân thủ quy định trong Điều 50. Tuy nhiên, việc này cũng có thể tạo cơ hội mới cho những người ủng hộ ở lại EU thể hiện quan điểm về Brexit. Và về lý thuyết có thể bỏ phiếu giúp thủ tướng “đoạn tuyệt” với quy trình nói trên.
Anh không thể rời EU nếu chưa kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. |
Yếu tố Scotland
Mới đây, bà Nicola Sturgeon, thủ hiến mới của Scotland cho biết sẽ đề nghị Quốc hội bác bỏ kết quả trưng cầu ý dân ngày 23-6. Nói cách khác, Scotland sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn Brexit thông qua quy ước có tên Sewel rằng, “Quốc hội Westminster sẽ không ban hành luật, tức can thiệp về các vấn đề phân cấp nếu không được sự đồng ý của Quốc hội Scotland”.
Thực tế, quyền Quốc hội Scotland là rất hạn chế theo luật pháp của EU. Vì vậy, tranh cãi nổ ra là, một khi Anh kích hoạt luật pháp để thực thi Brexit, những hạn chế nói trên của Scotland được thả lỏng, Nghị viện Scotland sẽ tự tạo ra luật và như vậy sẽ vi phạm pháp luật của EU. Để thực hiện những điều này, bà Nicola Sturgeon cần phải có sự đồng ý của Quốc hội Scotland theo quy ước Sewel. Điều đó cũng có nghĩa, Quốc hội Scotland không thể can thiệp luật pháp Anh thực thi Brexit hoặc bất kỳ vấn đề nào khác. Tuy nhiên, Quốc hội Scotland có thể ngăn chặn Brexit bằng cách bảo lưu sự đồng ý. Nhưng rốt cuộc, Quốc hội Anh có thể bác bỏ mà không ảnh hưởng tiến trình đàm phán Brexit.
Trưng cầu dân ý lần 2
Cho đến nay, hơn 4 triệu người ký đơn đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về vấn đề Brexit. Đặc biệt, trong số này lại có cả những người đã từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit như Oliver Healey. Nhà hoạt động Healey đứng đầu đơn gửi lên cho chính phủ, trong đó nêu rõ, nếu cuộc bỏ phiếu “Ở lại” hay “Ra đi” đạt dưới 60% dựa trên số người đi bỏ phiếu chưa đến 75%, cần có một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Nhiều người cho rằng, Quốc hội Anh có thể ban hành luật mới để tổ chức trưng cầu dân ý lần 2. Về mặt hiến pháp điều này có thể, nhưng là không tưởng đứng trên bình diện chính trị. Nó sẽ tạo ra tổn thất lớn không khác gì một cuộc cách mạng, khủng hoảng “toàn tập” trong hiến pháp. Điều này khiến cánh cổng của EU tiếp tục bỏ ngỏ, không chỉ có Anh mà sẽ còn có nhiều thành viên khác muốn thoát EU trong tương lai.
Kim Hùng
(Theo BBC)