Báo Công An Đà Nẵng

Anh - EU khó đạt được thỏa thuận hậu Brexit

Thứ năm, 10/12/2020 16:10

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa trước hạn chót giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit, 31-12-2020, Anh và Liên Minh Châu Âu (EU) tiếp tục đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Tuy nhiên, khả năng đạt được đồng thuận là hết sức khó khăn. Hôm 8-12, Anh và EU ra thông cáo chung cảnh báo đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit bên bờ sụp đổ và nguy cơ Brexit không thỏa thuận đang hiện hữu bởi còn “nhiều bất đồng lớn” và các điều kiện “chưa hội đủ”.

Tiến trình đàm phán Brexit tiếp tục bế tắc trong 3 vấn đề mấu chốt: sân chơi thương mại công bằng, cơ chế giải quyết tranh chấp và quyền đánh bắt cá. 

Cơ hội cuối cùng

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 7-12 đã có cuộc điện đàm để tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Tuy nhiên, tuyên bố chung sau điện đàm cho biết khác biệt vẫn còn và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để giải quyết thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Tuyên bố khẳng định sẽ không thể đạt được thỏa thuận nếu bất đồng hiện nay không thể giải quyết. 

Thủ tướng Anh cho biết, đàm phán đã dậm chân tại chỗ từ cuối tuần trước và có rất nhiều khả năng hai bên sẽ không đạt thỏa thuận. Về phía Châu Âu, theo Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney, nếu đàm phán không đạt kết quả vào ngày 9-12, thì sẽ không thể tránh khỏi khả năng Brexit không thỏa thuận. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Brussels (Bỉ) để gặp gỡ trực tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong một vài ngày tới. Hội nghị thượng đỉnh EU cũng sẽ diễn ra trong hai ngày 10 và 11-12 với Brexit là một trong những chủ đề trọng tâm. Đây có thể là cơ hội cuối cùng để đạt được một đồng thuận. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Anh nhận định, tình hình rất nghiêm trọng và khả năng đàm phán sụp đổ. 

Trong khi đó, Pháp và Hà Lan là những quốc gia có quan điểm cứng rắn nhất. Pháp thậm chí đe dọa dùng quyền phủ quyết nếu thỏa thuận Brexit không đảm bảo quyền lợi của Pháp trong các bất đồng then chốt trên. Phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Quan điểm của Pháp trong vấn đề Brexit là không thay đổi. Chúng tôi yêu cầu một thỏa thuận đảm bảo mối quan hệ bình đẳng giữa Anh và EU trong tương lai. Pháp cũng sẽ không chấp nhận một thỏa thuận ảnh hưởng đến quyền lợi của Pháp về lâu dài. Quyền lợi đánh bắt cá của ngư dân Pháp tại vùng biển của Anh là một trong những điều kiện tiên quyết, bên cạnh đó vấn đề sân chơi thương mại công bằng”. 

Các chuyên gia nhận định ngay cả khi hai bên quyết tâm tiến tới 1 thỏa thuận thì thời gian cũng là một thách thức. Cả Anh và EU đều cần có thời gian để Quốc hội của hai bên thông qua bất cứ thỏa thuận nào mà cả đoàn đàm phán đạt được. Khả năng tiến hành thêm các cuộc đàm phán vào năm 2021 đã được nhắc tới trong nội bộ châu Âu, nhưng đây lại là điều mà Thủ tướng Anh đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ. Hội nghị thượng đỉnh EU tới đây dự kiến cũng sẽ xem xét các phương án khẩn cấp cho một kịch bản không thỏa thuận.

Bất đồng trong 3 vấn đề chính

Trong thông cáo gửi đi sau cuộc điện đàm, bà Von de Layen cho biết, các điều kiện cần thiết để hoàn tất một thỏa thuận giữa EU và Anh chưa đạt được do vẫn còn những bất đồng lớn trong 3 chủ đề quan trọng nhất là sân chơi thương mại công bằng, cơ chế giải quyết tranh chấp và quyền đánh bắt cá. 

Theo AFP, thỏa thuận thương mại cho giai đoạn hậu Brexit giữa EU và Anh là đầy tham vọng. EU sẵn sàng dành cho London một “thỏa thuận chưa từng có”, hàng hóa Anh vào Châu Âu sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu, và cũng không có hạn ngạch. Đổi lại, Bruxelles đòi hỏi đối tác không được giảm nhẹ các quy định, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu chuẩn về môi trường, luật lao động, hay vấn đề minh bạch về thuế khóa. Về vấn đề cạnh tranh công bằng, EU đặc biệt lo ngại việc chính phủ Anh trợ giá cho các doanh nghiệp, trong lúc ở EU, quy định trong lĩnh vực này là rất chặt chẽ. Trong trường hợp bất đồng, EU yêu cầu có quyền được đơn phương trả đũa, áp đặt thuế nhập khẩu tức thời, trước khi bất đồng được giải quyết theo một cơ chế trọng tài truyền thống. Đây là điều mà London bác bỏ.

Vấn đề cơ chế giải quyết các tranh chấp cũng là một bất đồng lớn khác. Hiện tại hai bên đang thương thuyết về một tòa án trọng tài trong trường hợp có vi phạm, thể theo các cơ chế trọng tài đang tồn tại với các hiệp ước thương mại khác. Điểm bất đồng quan trọng hiện nay liên quan đến đòi hỏi của EU là hai bên được phép đưa ra các trừng phạt trong một lĩnh vực khác, ví dụ như trong ngành xe hơi, để trả đũa lại các vi phạm trong một lĩnh vực khác, như trong nghề cá.

Về vấn đề quyền đánh bắt cá, EU muốn gắn liền mọi thỏa thuận về nghề cá với hiệp định kinh tế chung, song Anh bác bỏ. Ngư nghiệp chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong nền kinh tế của Anh cũng như của EU, nhưng với London, nó mang ý nghĩa chính trị “biểu tượng”. Các tàu cá Châu Âu đánh bắt hải sản tổng trị giá 635 triệu EUR trong ngư trường Anh, về phía Anh là khoảng 110 triệu EUR trong ngư trường EU. Hai bên bất đồng liên quan đến lượng hải sản mà EU phải trả lại cho Anh. Khối lượng mà EU chấp nhận hoàn trả ít hơn so với đòi hỏi của Anh.

AN BÌNH