Báo Công An Đà Nẵng

Anh gia nhập CPTPP - những kỳ vọng và thách thức

Thứ tư, 03/02/2021 15:11

Chỉ 2 ngày sau khi phát đi tín hiệu, nước Anh đã chính thức đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đề nghị của Anh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, con đường gia nhập cũng không phải dễ dàng.

Để trở thành thành viên chính thức, Anh sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra tư cách thành viên gần 1 năm cũng như cần có sự đồng ý nhất trí của 11 nước trong khối.

CPTPP hiện bao gồm các thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ảnh: Getty

Anh mong muốn gì?

Đề nghị của Anh diễn ra thời điểm kỷ niệm một năm ngày nước này chính thức rời Liên minh Châu Âu (EU) sau 47 năm gắn bó. Hiện nước Anh đang phải thích ứng với các điều khoản thương mại mới với EU, với việc áp dụng một thỏa thuận thương mại mà trong nhiều trường hợp khiến việc xuất khẩu sang khối này phức tạp và đắt đỏ hơn. Việc tham gia hiệp định được cho sẽ mang lại việc làm, hỗ trợ xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu và đưa nước Anh vào vị trí trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

London được cho là nhằm tăng cường liên kết với các khu vực ngoài EU, đồng thời thực hiện chiến lược “nước Anh toàn cầu”, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ quan điểm cho rằng, việc Anh trở thành nước bên ngoài đầu tiên đăng ký tham gia CPTPP thể hiện tham vọng muốn tham gia các hoạt động thương mại với các nước, các đối tác trên thế giới thông qua những điều khoản có lợi nhất của nước này. Ông cũng cho hay, động thái đó thể hiện mong muốn trở thành “ngọn cờ đầu” trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu của nước Anh. Nếu trở thành thành viên của CPTTP, Anh có thể thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực thế mạnh là kỹ thuật và công nghệ, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng như ô-tô, thực phẩm…, góp phần tạo ra thêm việc làm trong nước.

Sau khi rời khỏi EU, Anh gặp nhiều khó khăn khi quá trình lưu thông hàng hóa gặp trở ngại do các thủ tục thông quan, các doanh nghiệp cũng chịu gánh nặng lớn hơn về thuế quan cũng như cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra. Do đó, bằng việc đề nghị tham gia CPTTP, chính phủ Anh muốn chứng tỏ, kết quả của Brexit là nước này có thể tự do đàm phán thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới. Lý do khác khiến Anh nhanh chóng tham gia thỏa thuận này là họ đang hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ đưa nước Mỹ tham gia CPTPP, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại Anh-Mỹ gần gũi nhau hơn nữa.

* CPTPP hiện bao gồm các thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP đại diện cho thị trường hơn nửa tỷ dân và chiếm 13,5% kinh tế toàn cầu. Nếu trở thành thành viên CPTPP, Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trong khối này, sau Nhật Bản.

Còn đó những thách thức

Anh trở thành quốc gia mới đầu tiên tham gia hiệp định này kể từ khi CPTPP được thực thi vào năm 2018. Đây là một động thái đã được thông báo khi nước Anh đạt được một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng trong năm 2020 gồm Nhật Bản, Ukraina, Singapore, Việt Nam, EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới quan sát cho rằng, hiện không rõ tư cách thành viên CPTPP sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế Anh sau khi nước này đã chính thức rời EU với nhiều thách thức trước mắt. Theo Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss, Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng đóng vai trò một trung tâm của “tăng trưởng trong tương lai”. Ông David Henig, đồng sáng lập của Diễn đàn Thương mại Anh, cho rằng thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương này sẽ chỉ mang lại lợi ích kinh tế khiêm tốn cho nước này.

Đánh giá đó không phải không có cơ sở. Một nghiên cứu mới đây của Chính phủ Anh cho thấy, FTA mới đây với Nhật Bản có thể giúp tăng trưởng GDP của nước này thêm khoảng 0,07% trong dài hạn. Trong khi đó, FTA hậu Brexit giữa Anh và EU có thể khiến tăng trưởng kinh tế Anh giảm tới 5% trong dài hạn. Một số nhà chỉ trích cũng cho rằng triển vọng nước Mỹ nhanh chóng tham gia CPTPP là không lớn khi tân Tổng thống Biden vẫn còn nhiều vấn đề đối nội cần giải quyết.  Ngoài ra, Anh còn nhiều thách thức khác cần giải quyết. Chúng bao gồm việc thiết lập các mức thuế quan mới giữa các bên và thiết lập cấu trúc để xây dựng các thỏa thuận song phương trong tương lai. Các nước cũng cần thông qua những quy tắc ký gửi phù hợp để hàng hóa có thể được vận chuyển qua các nước ngoài CPTPP như Mỹ, EU một cách thuận lợi mà không bị mất quy chế ưu đãi...

Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận, lợi ích cho kinh tế Anh từ việc tham gia CPTPP chưa rõ ràng và các nhà xuất khẩu có thể sẽ tỏ ra hoài nghi. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề địa chiến lược cần thiết. Và nếu tham gia CPTPP không cản trở Vương quốc Anh đạt được các thỏa thuận FTA với những nền kinh tế khác, thì các doanh nghiệp sẽ không tổn hại gì từ việc London tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

THANH VĂN