Báo Công An Đà Nẵng

Anh hùng tìm ánh sáng cho người mù lòa

Thứ bảy, 30/12/2017 11:12

Hàng chục ngàn bệnh nhân (BN) nghèo, nhiều nhất là bệnh nhi ở Đắc Lắc, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế... đã tìm lại được ánh sáng nhờ vào bác sĩ chuyên khoa (BSCK) II Phạm Minh Trường. Ông là BS đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam vừa được Tổ chức Phòng chống mù lòa thế giới (IAPB) tôn vinh Anh hùng trong phòng chống mù lòa tại thành phố Kathmandu - Nepal.

BS Trường được tôn vinh là anh hùng trong phòng chống mù lòa của thế giới.

Đồng hồ đã điểm hơn 12 giờ nhưng vẫn thấy ông miệt mài khám bệnh cho bệnh nhân. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông cười, nói: “Trường hợp bệnh này (BN Phan Thị Rớt, 72 tuổi- P.V) nhà ở Hà Tĩnh nên mình phải khám cho xong để đầu giờ chiều còn kịp đón xe về nhà. Nếu mình không làm xuyên trưa thì BN và người thân phải ở trọ thêm một đêm tốn kém chi phí. BN này đã từng vào đây phẫu thuật, điều trị miễn phí hoàn toàn”, BS Trường mở đầu câu chuyện về cơ duyên đến với người mù.

Sinh ra ở vùng nắng gió Quảng Trị nhưng từ nhỏ BS Trường đã theo gia đình vào sống ở cố đô Huế. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, ông về công tác ở Sở Y tế Bình Trị Thiên và trở thành phẫu thuật viên mổ mắt lưu động. Hơn 20 năm, BS Trường giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Mắt (BVM) Huế (trước là Trạm trưởng Trạm Mắt TT-Huế). Trong thời gian này, ông là người có nhiều năm gắn bó với công tác phòng chống mù lòa nên BS Trường thấm thía nỗi đau của những người khiếm thị và thân nhân của họ. Ông mong muốn mang những hiểu biết của mình nhằm giúp đỡ người bị khiếm thị sớm thoát khỏi tình cảnh mặc cảm, tự ti và không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.

Nhiều năm gắn với phẫu thuật viên lưu động và kỷ niệm khó phai nhất là những lần “cắm bản” ở những vùi đồi núi Gia Lai hay ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế). Thời điểm đó đường lên A Lưới rất khó khăn, phải đi bộ cả ngày trời mới đến nơi. Thế nhưng, trên dải đất dọc Trường Sơn đó vẫn luôn in đậm dấu chân ông. “Năm 1995, lần đầu tiên mình nhận “lệnh” lên A Lưới trực tiếp mổ đục thủy tinh thể cho 300 bệnh nhân người đồng bào Pa Cô, Tà Ôi... Mình không dám nói cho BN biết là mổ mà chỉ nói là rửa mắt vì thời đó chỉ nghe từ “mổ” là người dân họ sợ lắm. Rất nhiều BN sau khi được mình mổ khoảng 1, 2 ngày thì đôi mắt sáng hẳn lên. Họ sung sướng reo lên, rồi tìm đến trạm xá nơi mình đang tiếp tục công việc, gửi cho mấy củ sắn và quả ngô khiến mình rất xúc động”, BS Trường nhớ lại.

Ở cương vị Giám đốc BVM Huế, BS Trường biết rõ, nếu dựa vào nguồn kinh phí của địa phương, mỗi năm nhiều lắm chỉ khám được cho 3.000 người và phẫu thuật chừng 700 ca. Còn những ca phức tạp buộc phải chuyển tuyến trên, nghĩa là ra Hà Nội hoặc vào TP Hồ Chí Minh chữa trị. Với khát khao được giúp nhiều BN nghèo mù lòa được tìm lại ánh sáng, sau nhiều ngày trăn trở, BS Trường đã ngược xuôi ra Bắc vào Nam đi “xin” các tổ chức nước ngoài. Được người bạn học cùng trường Y giúp đỡ, ông tìm đến Đà Nẵng, nơi tổ chức Fred Hollows Foundation (FHF) đặt văn phòng đại diện để xin viện trợ. Từ năm 2006 đến năm 2015, FHF đã tài trợ cho BVM Huế để mua sắm trang thiết bị và đào tạo cán bộ trị giá 1,8 triệu USD. Ngoài tìm đến FHF, trước đó, thông qua Viện Mắt trung ương, Christoffel Blindenmisson (CBM) - một tổ chức phi chính phủ của Đức mỗi năm đã giúp BVM Huế hàng chục ngàn USD để mua trang thiết bị và đào tạo cán bộ. Trong khi đó, Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á của Nhật Bản, thông qua Giáo sư, Bác sỹ Hattori Tadashi, từ năm 2015 đã chuyển giao kỹ thuật mổ bán phần sau để điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân bị bệnh lý võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng tuổi già.

BS Trường đang thăm khám cho người bệnh.

Với ước nguyện có một trung tâm chăm sóc nhãn nhi ở miền Trung, ông lại lặng lẽ khăn gói ra Hà Nội trình dự án hỗ trợ phòng chống mù lòa cho trẻ em với Tổ chức Orbis. Qua nhiều lần thẩm tra, cuối cùng Orbis đã chấp thuận hỗ trợ. “Mình rất vui khi tổ chức Orbis tài trợ cho BVM Huế 2 triệu USD để xây dựng Trung tâm chăm sóc nhãn nhi thuộc hàng đầu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tạo cơ hội giúp các em bị khiếm thị sớm thoát khỏi cảnh sống trong tăm tối. Bởi qua khảo sát, mình biết khu vực miền Trung là nơi có nhiều bệnh nhi bị mù bẩm sinh”, BS Trường chia sẻ. Từ khi đi vào hoạt động, mỗi năm Trung tâm này đã tiến hành phẫu thuật miễn phí cho trên 200 bệnh nhi ở khu vực Bắc miền Trung. Có nhiều bệnh nhi nghèo ở miền núi Quảng Bình, Quảng Trị khi đến đây không chỉ được phẫu thuật miễn phí hoàn toàn mà BS Trường còn trích kinh phí của BV giúp đỡ.

Nhận thấy nhu cầu được hưởng các dịch vụ chăm sóc mắt rất lớn từ những người dân ở nông thôn và vùng xa, BS Trường đang xây dựng mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới. Ông đã làm việc với chính quyền địa phương ở TT-Huế để thành lập 5 trung tâm khúc xạ tuyến huyện. Không những thế, ông còn chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp ở các tỉnh miền Trung và khuyến khích họ thành lập các trung tâm khúc xạ để mở rộng mạng lưới chăm sóc mắt cho người dân.

30 năm gắn bó với nghiệp giúp người mù tìm lại ánh sáng, BS Trường đã được tưởng thưởng khi lần đầu tiên IAPB chính thức tôn vinh một BS Nhãn khoa của Việt Nam là Anh hùng trong phòng chống mù lòa của thế giới với nhận xét: “BS Phạm Minh Trường đã thực hiện sứ mệnh cuộc sống của mình để giúp đỡ những người khiếm thị, đặc biệt là trẻ em nhìn thế giới bằng mắt tốt hơn. Ông đã trải qua 10 năm hoạt động để phát triển dịch vụ chăm sóc mắt nhi cho khu vực miền Trung. Ông mong muốn làm dịch vụ miễn phí cho trẻ em tại BVM Huế và thiết lập mạng lưới để cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em cho tất cả trẻ em có nhu cầu”.

H. LAN