Anh Mai Thúc Lân với báo chí và văn hóa - nghệ thuật
(Cadn.com.vn) - 1. Xa Quảng Nam từ ngày tập kết ra Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève, mới từ Hà Nội về tiếp nhận chức Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, dù hết sức bận rộn với nhiệm vụ khá nặng nề, vậy mà anh Mai Thúc Lân vẫn dành thời gian đến thăm Hội VHNT QN-ĐN lúc bấy giờ do tôi làm Chủ tịch Hội. Anh đến thăm, lắng nghe ý kiến của anh em trong BCH Hội để có sự chỉ đạo sâu sát và cụ thể nhằm giúp giải quyết dần những khó khăn kéo dài nhiều năm của Hội, giúp Hội có thêm thuận lợi để hoạt động tốt hơn. Có một chuyện khiến chúng tôi nhớ nhất là cuộc làm việc của anh với Thường trực Hội VHNT QN-ĐN.
Để góp phần tháo gỡ bớt khó khăn cho Hội, đồng chí Bí thư mời các cơ quan liên quan đến dự như Ban Tuyên giáo, Sở Tài chính, nhà báo. Tại phòng họp của Văn phòng Tỉnh ủy, chúng tôi đang trình bày thực trạng của Hội thì có một người bên UBND tỉnh bước vào xin gặp Bí thư Tỉnh ủy để đưa một tờ giấy (sau này mới biết đó là một bức điện của Trung ương). Chúng tôi dừng báo cáo, im lặng nhìn đồng chí Bí thư đang chăm chú đọc bức điện, dù bức điện chỉ có mấy dòng. Biết chúng tôi đang tò mò dõi theo, anh để tờ giấy xuống bàn, nói với giọng không vui: “Thôi chứ họp hành chi nữa!”, rồi anh cầm tờ giấy đưa lên, nói tiếp: “Quốc hội đồng ý chia tỉnh”…
2. Ngày 1-1-1997, tỉnh QN-ĐN được tách ra thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Các cơ quan, ban ngành trực thuộc, sau khi được tách ra, từng bước củng cố, ổn định và dần trở lại hoạt động bình thường. Riêng tỉnh Quảng Nam vừa tái lập, không có Hội VHNT, tất nhiên cũng không có một tạp chí VHNT nào. Sau khi tạm ổn định, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Quảng Nam đều chưa đủ nhân sự và chưa có trụ sở cơ quan để làm việc. Kể cả cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy cũng phải ở nhờ ngôi nhà cấp bốn của một công ty trồng trọt. Vậy mà, tất cả từ lãnh đạo đến nhân viên mới vào Quảng Nam đều khắc phục những khó khăn ban đầu lao vào với công việc với tinh thần thoải mái, hăng say.
Tuy mọi việc tạm ổn định nhưng Tỉnh ủy Quảng Nam mà người đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân lúc nào cũng đăm chiêu, lo nghĩ, dường như anh cảm thấy thiếu một cái gì đó. Chừng 4-5 tháng sau, anh Mai Thúc Lân gọi tôi lên báo cáo công việc của Báo Quảng Nam– tờ báo của Tỉnh Đảng bộ mới được ra đời từ ngày tái lập tỉnh. Sau khi hỏi chuyện công việc, chỗ làm việc, tình hình nhân sự của Báo, anh Mai Thúc Lân nói với tôi: “Quảng Nam là đất học, đất của văn học - nghệ thuật, mà không có Hội Văn học-Nghệ thuật, không có một tạp chí về văn học nghệ thuật, thiếu món ăn tinh thần thì không yên được. Cậu (anh Lân gọi tôi một cách thân mật) là người có thời gian làm công tác này, đề xuất xem, nay ta phải tính sao cho có Hội Văn học, cho có Tạp chí Văn học”…
Trong lúc bố trí nhân sự chủ chốt thì anh Mai Thúc Lân gọi tôi đến Văn phòng Tỉnh ủy hỏi nguyện vọng và ký quyết định tôi làm Tổng Biên tập Báo Quảng Nam. Anh Trương Quang Được, anh Nguyễn Bá Thanh cùng dự, có mời đại diện Ban Tuyên giáo, Tổ chức... để nghe anh Ngô Quy Nhơn, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng và Tổng biên tập Báo Quảng Nam báo cáo việc củng cố tổ chức và ra mắt số báo đầu tiên kỷ niệm ngày chia tách QN–ĐN. Anh Mai Thúc Lân duyệt và đồng ý măng sét Báo Quảng Nam, anh còn duyệt cả danh sách 14 cán bộ, phóng viên, nhân viên tôi và anh Ngô Quy Nhơn đề xuất chọn từ Báo QN–ĐN vào làm Báo Quảng Nam. Từng làm việc với anh, dự họp nghe anh phát biểu nên tôi hiểu tính cách thẳng thắn, bộc trực, quyết đoán, rất Quảng Nam của anh, tôi nói rất chân thành:
- Thưa anh, không có Hội là vì khi chia tách tỉnh, tất cả các đơn vị trực thuộc tỉnh đều chia, duy nhất, Hội Văn học - Nghệ thuật là không chia.
Tôi không nói gì thêm, nhưng trong bụng thì nghĩ rất nhiều về sự chia, một công việc không dễ dàng mà Ban Thường vụ và Tỉnh ủy QN-ĐN phải họp bàn nhiều phiên, tính toán chia cán bộ, ai đi, ai ở lại, chia tài sản, có cả nhiều vấn đề lớn phải đưa ra mấy cuộc họp HĐND tỉnh để biểu quyết như chia địa giới hành chính, chia ngân sách. Vậy mà, dường như không có cuộc bàn tính của lãnh đạo về cái Hội vốn ít được quan tâm, một Hội chưa có một cơ chế rõ ràng, nhưng có tên gọi rất kêu: Hội Văn học - Nghệ thuật. Thấy anh Lân chưa nói gì, tôi nói: Thưa anh, Tỉnh ủy muốn có Hội thì có Hội thôi.
- Làm cách nào? Bí thư nhìn tôi, hỏi.
- Chỉ cần anh ra một quyết định là có Hội.
- Nhưng, quan trọng là nhân sự. Cậu phải đứng ra chọn nhân sự để Tỉnh ủy và Ủy ban xem xét và ra quyết định thành lập Ban chấp hành lâm thời, chuẩn bị Đại hội bầu ra Ban chấp hành Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Nam.
Muốn từ chối vì đang kham chức Tổng Biên tập, chưa có Phó Tổng, với quá nhiều việc phải làm nhưng anh bảo Báo như vậy là tạm ổn chừ lo việc Hội. Một phần vì trách nhiệm với Hội, vả lại, không thể từ chối được với lệnh của Bí thư Tỉnh ủy, sau khi trao đổi và được sự nhất trí của các đồng chí lãnh đạo, tôi mời anh Nguyễn Bá Thâm, nguyên cán bộ biên tập của Hội VHNT QN- ĐN vào Quảng Nam làm Phó Chủ tịch Lâm thời Hội, cùng tôi chuẩn bị Đại hội Hội VHNT Quảng Nam lần thứ nhất diễn ra ngày 19-8-1997. Sau mấy tháng chuẩn bị, vào dịp đón chào Xuân Mậu Dần - tháng 2 - 1998, Tạp chí Văn học của Hội bắt đầu hoạt động.
Anh Mai Thúc Lân (trái) trong thời gian làm chuyên gia tại Campuchia. |
3. Khi cần cán bộ có khả năng và bản lĩnh chính trị, Bộ Chính trị điều anh Mai Thúc Lân đi làm chuyên gia tại Campuchia. Khi tỉnh QN-ĐN đang gặp khó khăn về nhân sự chủ chốt, Bộ Chính trị lại điều anh vào làm Bí thư Tỉnh ủy. Tái lập tỉnh Quảng Nam, Bộ Chính trị quyết định anh Mai Thức Lân làm Bí thư Lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam…Sau khi rời nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Quốc hội…, anh Mai Thúc Lân vẫn nhận đều các Báo từ Quảng Nam, Đà Nẵng gửi ra cho anh. Anh hay điện thoại thăm, động viên tôi, gửi lời thăm hỏi anh em báo chí, văn nghệ sĩ và khen Tạp chí Đất Quảng cố gắng ra đều kỳ, chất lượng có nâng lên…
Khi làm Bí thư Tỉnh ủy, anh Mai Thúc Lân rất quan tâm và trăn trở về những khó khăn triền miên của đồng bào dân tộc và miền núi. Anh luôn quan tâm đến Báo Quảng Nam. Anh đọc rất kỹ từng số báo, luôn nhắc chúng tôi chú ý đưa tin về miền núi, miền biển. Anh bảo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy không chỉ trong các chuyến đi và làm việc với địa phương, không chỉ trong các hội nghị mà tinh thần sự chỉ đạo của Tỉnh ủy có trên các Báo. Trên bàn làm việc của anh luôn có các tờ Báo Quảng Nam, Báo Đà Nẵng, Báo Công an TP Đà Nẵng, Báo Nhân dân. Anh không những quan tâm đến hoạt động của Sở Văn hóa-Thông tin, Hội Văn Học - Nghệ thuật Quảng Nam mà luôn đọc và viết bài cho Tạp chí Đất Quảng. Cả khi ra lại Hà Nội, anh vẫn đọc các Báo từ Quảng Nam, Đà Nẵng gửi biếu để biết tình hình Quảng Nam, Đà Nẵng…
Những dòng mộc mạc này như một nén hương của anh chị em làm báo chí, văn nghệ đất Quảng quê nhà tiễn biệt Anh. Anh hãy tin và hy vọng những người con của Quảng Nam, Đà Nẵng rất có khả năng làm báo và yêu văn học - nghệ thuật sẽ đóng góp cho đời những tác phẩm có chất lượng và giá trị cao như anh từng mong đợi. Mong Anh thanh thản đi về, chung vui, chuyện trò với những nhà văn, nhà báo, nhà thơ của Quảng Nam - Đà Nẵng từng sống, công tác trên đất Hà Nội một thời với Anh đã nằm lại với đất nghìn năm văn hiến như Hằng Phương, Lưu Quý Kỳ, Võ Quảng, Nguyễn Văn Bổng, Lưu Quang Vũ...
Hồ Duy Lệ