Báo Công An Đà Nẵng

Anh-Mỹ thời hậu Brexit

Thứ ba, 05/11/2019 12:59

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã rất kiên quyết để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) trước ngày 31-10. Tuy nhiên, cuối cùng, Anh đã không thể “ly hôn” EU đúng như kế hoạch. Thay vào đó, London sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 12-12 và gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020. Với sự thay đổi như chong chóng trong câu chuyện Brexit đang diễn ra, việc Anh rời khỏi EU sẽ có tác động toàn cầu, cả về kinh tế và địa chính trị. Trong tất cả những điều này, Mỹ luôn được chào mời như một đồng minh chủ chốt của Anh thời hậu Brexit.

Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson tại kỳ họp của Đại hội đồng LHQ hôm 24-9.  Ảnh: AP

Thỏa thuận thương mại “hoành tráng”?

Với mối quan hệ thương mại với EU chắc chắn sẽ có những thay đổi về cơ bản, Anh có thể muốn tìm kiếm một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit với Mỹ.

Cả ông Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều đề cập đến mong muốn đàm phán một thỏa thuận. Trong một cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hồi tháng 9 vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ đã hứa hẹn về một thỏa thuận "tuyệt vời". Những người ủng hộ cho rằng, một thỏa thuận như vậy có thể thúc đẩy mối quan hệ thương mại trị giá 260 tỷ USD giữa hai quốc gia, gia tăng trao đổi về dịch vụ tài chính, công nghệ sinh học, ô-tô và các dịch vụ chuyên nghiệp khác. "Sự điều tiết nặng nề của EU đã kìm hãm nền kinh tế Anh và cản trở thương mại Mỹ-Anh, nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi", đại diện George Holding của House U.K. Caucus gần đây cho biết. Tuy nhiên, thỏa thuận có thể gặp phải sự phản đối ở cả hai quốc gia.

Triển vọng về một thỏa thuận Anh-Mỹ thời hậu Brexit dường như trở nên mờ nhạt sau khi ông Trump hôm 31-10 cho rằng, việc đạt được một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Anh trở nên bất khả thi. Trả lời phỏng vấn lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage trên đài phát thanh LBC, Tổng thống Trump nêu rõ: "Thỏa thuận này... bạn không thể làm điều đó, bạn không thể giao thương. Chúng tôi không thể có được một thỏa thuận thương mại với Anh".

“Không mất nhiều”

Một số nhà kinh tế cho rằng, một thỏa thuận như vậy có thể không có nhiều tác động đối với kinh tế Mỹ. Michael Pearce, một nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics, cho rằng Mỹ sẽ chẳng kiếm được nhiều từ thỏa thuận này. Ông bày tỏ, Mỹ không có "nhiều thứ để mất" dù bất kỳ loại kịch bản Brexit nào sẽ xảy ra vì "các liên kết thương mại trực tiếp thực sự khá nhỏ". Xuất khẩu của Mỹ sang Anh chỉ chiếm chưa đến 1% nền kinh tế trị giá 20 nghìn tỷ USD của Mỹ.

Ngay cả khi Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, điều mà nhiều nhà phê bình lo ngại sẽ tàn phá nền kinh tế Anh, thì ông Pearce nhận định, điều này không thể gây ra một sự gián đoạn lớn đối với các thị trường tài chính Mỹ. "Các thị trường được chuẩn bị khá tốt cho kết quả của một Brexit không thỏa thuận. Dĩ nhiên, nó sẽ tác động tiêu cực đến thị trường, nhưng tôi nghĩ nó sẽ không tác động lâu dài đến thị trường tài chính", ông Pearce nhìn nhận.

Với gần 40.000 sinh viên Mỹ đang học tập tại Anh, Giám đốc điều hành của NAFSA Esther Brimmer cho biết Brexit "không làm cho các trường đại học Anh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với sinh viên Mỹ. Anh vẫn là điểm đến hàng đầu cho sinh viên du học của Mỹ. Tuy nhiên, nếu  không có một thỏa thuận hậu Brexit, 130.000 người Châu Âu đang học tập tại Anh có thể mất quyền được giảm học phí.

“Đồng minh không đáng tin”

Mặc dù mối quan hệ giữa ông Johnson và ông Trump rất thân thiết, trở ngại lớn đối với mối quan hệ Anh-Mỹ thời hậu Brexit có thể là sự thiếu tin tưởng từ cả hai phía. "Bạn có nghĩ rằng ông Trump sẽ đến giúp chúng tôi không? Bạn đang đùa đấy à. Ông ấy đã đẩy người Kurd xuống sông. Nhiều người đã chết vì ông ấy", ông Sheerman nói. "Ông ấy đã cho thấy mình là một đồng minh không đáng tin", ông Sheerman nói thêm. Ông Sheerman cũng dẫn lời Chủ tịch hạ Viên Mỹ Nancy Pelosi khi bà này cảnh báo rằng Hạ viện sẽ ngăn chặn thỏa thuận thương mại với Anh nếu việc Anh rút khỏi EU đe dọa hòa bình của Bắc Ireland.

Trong khi Johnson và Trump đã nói về tầm quan trọng của một thỏa thuận Anh-Mỹ, mối quan hệ này sẽ thay đổi một khi chủ nhân của tòa nhà số 10 Downing Street thay đổi. Jeremy Corbyn, nhà lãnh đạo của đảng Lao động, đối thủ của ông Johnson trong cuộc bầu cử sắp tới, không có mối quan hệ thân thiện với ông Trump. Ông Corbyn đã nhiều lần đối đầu với chính quyền của Tổng thống Trump trong thời gian qua.

AN BÌNH