Anh nông dân mang chất lính
Cựu chiến binh Y Khing Niê (1960, thường gọi Ama Đer) dân tộc Êđê, ở buôn Ngô B, xã Hòa Phong, H. Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) sau khi rời binh nghiệp khoác lên mình chiếc áo của người nông dân. Với nhiệt huyết vẹn nguyên của người lính, ông Y Khing Niê đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả từ canh tác nông nghiệp và luôn luôn đi đầu trong mọi hoạt động xã hội của địa phương được bà con mến phục.
Y Khing Niê trong vườn cà phê của gia đình. |
Năm 1978, Y Khing Niê tham gia du kích xã ở Ea Yông (Krông Păk), khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây nam, ông được lệnh nhập ngũ vào Huyện đội Krông Păk. Sau 3 năm trong quân đội, ông Y Khing Niê xuất ngũ trở về với vùng đất một thời đạn bom (căn cứ Buôn Ngô). Hành trang trở về là chiếc ba lô và 2 bàn tay trắng, cuộc sống lúc mới rời quân ngũ vô cùng khó khăn, nhưng rồi cũng như bao trai tráng khác trong buôn làng, năm 1982 ông lập gia đình. Ông Y Khing Niê nhớ lại: Khi đứa con đầu lòng sinh ra, bé thường xuyên bị sốt rét, trong lúc điều kiện thuốc men, phương tiện đi lại không có, nhiều lần con bị lên cơn co giật tôi phải địu con trên lưng chạy bộ hơn 40 km đến bệnh viện Krông Păk để chữa trị, về sản xuất những năm ấy, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thoát khỏi tập tục canh tác lạc hậu "phát, đốt, chọc, tỉa", nên gia đình tôi luôn rơi vào tình cảnh thiếu đói.
Năm 1987, thực hiện chủ trương giãn dân, tách hộ, định canh định cư của Đảng bộ xã Hòa Phong (H. Krông Bông), ông cùng 25 gia đình trẻ xung phong đến vùng đất buôn Ama Thuăn cũ (nay là Buôn Ngô B). Sớm nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất mới, ngoài 2.500 m2 đất được cấp, vợ chồng ông tích cực khai hoang, mở rộng diện tích, đắp bờ ngăn nước làm ruộng, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình ông đã tự túc được lương thực. Rồi lần lượt 5 đứa con ra đời, nhu cầu sinh hoạt trong gia đình tăng lên, thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài" ông bàn với vợ chuyển đổi 1 ha đất trồng cây hoa màu (ngô, đậu các loại) sang trồng cây cà phê, nhưng diện tích đất sản xuất của gia đình ông vốn là vùng đất xám, nhiều sạn muối, từ việc vốn liếng đầu tư chăm sóc cho đến máy móc tưới tiêu hoàn toàn chưa có, nên cây cà-phê còi cọc kém phát triển và chết dần, ông phải phá bỏ trồng bắp, đậu, sắn để giải quyết "cái ăn, cái mặc" hàng ngày cho cả gia đình 7 người. Với tính chịu thương, chịu khó và chi tiêu tiết kiệm, đến năm 2010 ông đã tích lũy được số vốn nho nhỏ, ông quyết định thực hiện ý tưởng ban đầu chuyển một số diện tích, trồng lại 760 cây cà-phê.
Ngày tháng trôi qua, đất không phụ lòng người, những vất vả đã được đền đáp, 5 đứa con của ông lớn lên lập gia đình ra ở riêng đều được ông chia đất, cho bò để phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình ông chỉ còn 2 vợ chồng tuổi đã lục tuần nhưng hàng ngày vợ chồng ông vẫn ra đồng chăm sóc 7.000 m2 cà-phê, 4.000 m2 ruộng nước 2 vụ, 1 ha đất sắn, mỗi năm thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng, cuộc sống dần trở nên khá giả.
Sau khi ông nghỉ công tác, nối gót theo cha, anh Y Lúi Byă con ông vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm Công an viên thay thế cho ông. Với tư cách là người cha trong gia đình và là người đi trước, ông thường chỉ bảo thêm kinh nghiệm xử lý tình huống, để con ông vận dụng vào công việc được giao.
Mai Viết Tăng