Báo Công An Đà Nẵng

Anh nông dân thầm lặng cứu người

Thứ ba, 23/05/2017 11:03

(Cadn.com.vn) - Đang mùa gặt, nhưng vừa nhận được điện thoại của người nhà một bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối ở Đà Nẵng đang điều trị tại BVT.Ư Huế có lịch mổ ngày 18-5, anh Văn Sinh (45 tuổi, trú xã Quảng Thọ, H. Quảng Điền, TT-Huế) đành tạm gác mọi công việc và rủ 4 nông dân trong đội hiến máu lưu động đèo nhau lên thành phố để cứu người bệnh. “Tôi với bệnh nhân ung thư này chưa một lần gặp gỡ, quen biết. Chỉ nghe người nhà nói, bệnh nhân đang bị ung thư giai đoạn cuối và gia đình quyết định phẫu thuật với hy vọng “còn nước còn tát”. Các bác sĩ nói, nếu tìm được người cho máu sống là tốt nhất… Nghe xong, tôi báo với mấy anh em trong đội hiến máu biết để có mặt ở bệnh viện đúng giờ”.

Đây không phải là lần đầu, anh Sinh hiến máu sống cho bệnh nhân ung thư. Nói về cơ duyên đến với công việc hiến máu cứu người, anh Sinh nhớ lại, hơn chục năm trước, anh được nghe một số người bệnh trong làng lên viện điều trị kể về nhiều trường hợp rất thương tâm, đó là những người nghèo khó mắc bệnh nan y. Chính vì không có tiền mua máu, nhiều người đành nhắm mắt nhìn người thân của mình ra đi. Anh Sinh cũng sinh ra ở làng quê nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên đã phần nào đồng cảm. Năm 1997, lần đầu tiên anh Sinh tham gia hiến máu tại một đợt HMTN tại H. Quảng Điền. “Lần đó kết quả xét nghiệm cho biết tôi thuộc nhóm máu O. Bác sĩ nói tôi có thể hiến máu cho những người mang nhóm máu khác, tôi vui lắm”- anh Sinh nhớ lại. Thấy được ý nghĩa của việc hiến máu, từ đó đến nay anh Sinh thường xuyên tham gia hoạt động này. Dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, hễ nghe ở đâu có bệnh nhân cần máu là anh lập tức lên đường cho máu sống. Anh kể: “Nhiều khi nửa đêm, trời mưa như trút nước, nhưng nghe tin bệnh viện cần máu đột xuất là tôi chạy xe đến cho máu. Nhiều lần đang tất bật lo việc đồng áng nhưng tôi gác lại việc nhà để đi hiến máu kịp thời cho người bệnh”.  Cứ sau mỗi lần hiến máu, nhiều bệnh nhân tìm đến nhà anh để cảm ơn, có người tặng anh thịt bò, sữa, tiền nhưng anh đều từ chối. “Chúng tôi giúp họ từ cái tâm, cái tình chứ không phải bất cứ lý do nào khác”- anh Sinh nói. Chị Hồ Thị Nở- vợ anh Sinh, cho biết, ban đầu thấy chồng đi hiến máu thường xuyên chị rất lo lắng cho sức khỏe của chồng. Nhưng rồi thấy anh Sinh vẫn khỏe mạnh sau mỗi lần hiến máu nên dần dần chị bớt lo. Có lần vợ chồng đang khẩn trương thu hoạch hoa màu chạy lũ thì nhận được tin một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở Quảng Ngãi đang điều trị tại Huế cần máu gấp. Vừa nghe tin, anh ấy tức tốc lên đường. “Lần đó tôi lo lắm vì trước đó 3 ngày anh mới hiến máu cho một người khác. Nhưng anh bảo cứu người là việc ai cũng nên làm nên tôi muốn ngăn cản cũng không được”- chị Nở kể.

Anh Văn Sinh.

Ngoài việc hiến máu cứu người, anh Sinh còn là người nhân rộng nghĩa cử cao đẹp này ở thôn Tân Xuân Lai- nơi mình sinh ra và lớn lên. Năm 2008, anh đứng ra vận động những người dân khỏe mạnh trong thôn để thành lập nhóm hiến máu tình nguyện lưu động. Lúc đầu nhóm có 10 thành viên tham gia, đến nay số thành viên đã lên gần 50 người. Nhiều gia đình trong thôn có từ 2-3 người tham gia nhóm. Bên cạnh tham gia HMTN do bệnh viện và Hội chữ thập đỏ tổ chức ở địa phương, người dân nơi đây sẵn sàng đến bệnh viện hiến máu trực tiếp cứu người bất cứ lúc nào. Anh Nguyễn Văn Hóa (35 tuổi) cho biết, lúc đầu nghe chuyện hiến máu anh rất sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng rồi nghe anh Sinh vận động, giải thích nên anh đồng ý. “Tôi không nhớ mình đã hiến máu bao nhiêu lần, chỉ biết ở đâu cần máu là mình đến hiến. Phương châm của nhóm chúng tôi là hiến máu để cứu người chứ không bao giờ nhận tiền của những người mình cho máu”- anh Hóa chia sẻ. Từ khi thành lập đến nay, nhóm HMTN thôn Tân Xuân Lai trở thành ngân hàng máu sống của nhiều bệnh viện ở Huế.

Bà Lê Thị Mộng Hòa- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Thọ cho biết, những năm qua, Tân Xuân Lai là thôn có số lượng người tham gia HMTN cao nhất H. Quảng Điền, góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Mặc dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng người dân thôn này luôn lặng thầm hiến máu đều đặn. Với nghĩa cử cao đẹp của mình, anh Sinh đã được Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Anh Sinh cho biết, con gái lớn của anh năm nay 15 tuổi nhưng thấy anh đam mê hiến máu nên cũng nhiều lần xin đi theo, nhưng anh Sinh nói rằng con mình vẫn chưa đủ tuổi nên phải đợi đến năm 16 tuổi anh mới cho con mình HMTN.     

H.Lan