Báo Công An Đà Nẵng

Anh rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng

Thứ tư, 08/04/2020 11:21

Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn được chăm sóc đặc biệt tại phòng hồi sức cấp cứu vì mắc Covid-19 trong khi chính phủ nước này chịu sức ép phải kiểm soát dịch bệnh đang diễn biến ngày càng đáng lo ngại.

Hiện nay, số người mắc bệnh tại Anh vẫn gia tăng chóng mặt trong khi số ca tử vong cũng không ngừng leo thang. Theo công bố ngày 7-4, gần 52.000 ca nhiễm ở Anh, trong đó hơn 5.300 ca tử vong. Trên toàn thế giới, hơn 1,3 triệu người được xác nhận mắc bệnh và gần 75.000 người đã chết. Theo các chuyên gia, con số thực sự chắc chắn cao hơn nhiều, bởi vì vẫn còn hạn chế xét nghiệm, cách thống kê của các quốc gia.

Trong bức ảnh công bố hôm 28-3, Thủ tướng Anh Boris Johnson điều hành chính phủ trong một cuộc họp trực tuyến. Ảnh: AP

Tình hình bệnh của Thủ tướng xấu đi

Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 7-4 cho biết, ông Johnson được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện St Thomas ở London sau khi các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ vào hôm 6-4, chỉ một ngày sau khi có thông báo cho biết ông nhập viện để làm những xét nghiệm thông thường.

Vị thủ tướng 55 tuổi nhập viện hôm 5-4, sau 10 ngày xác nhận mắc bệnh. Theo các nguồn tin, ông Johnson đang phải thở oxy, nhưng vẫn tỉnh táo và chưa phải dùng máy thở. Tuyên bố của Phố Downing cho hay: “Kể từ đêm 5-4, Thủ tướng đã được các bác sĩ của Bệnh viện St Thomas chăm sóc, sau khi trải qua những triệu chứng dai dẳng của virus Corona... Suốt buổi chiều hôm nay, tình trạng của Thủ tướng đã xấu đi, và theo lời khuyên từ đội ngũ y tế, ông đã được chuyển đến Khoa Điều trị Tích cực”. Đồng bảng Anh rớt giá sau khi chính phủ thông báo ông phải chuyển vào khu điều trị dành cho những bệnh nhân bị nặng nhất.

Bấp bênh chiến lược điều hành thay thế

Tình hình sức khỏe đáng lo ngại của Thủ tướng Johnson xấu đi vào lúc nước Anh đang chuẩn bị cho thời điểm tồi tệ nhất của dịch Covid-19, dự kiến trong 10 ngày tới.

Phố Downing nêu rõ: “Thủ tướng đã yêu cầu Ngoại trưởng Dominic Raab, người giữ cương vị Bộ trưởng đứng đầu nội các, thay ông xử lý công việc trong những trường hợp cần thiết”. Gánh nặng đặt lên vai ông Raab, nhân vật được đánh giá là “chưa được thử thách nhiều”. Vì vậy, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng người thay thế thủ tướng sẽ điều hành cỗ máy của chính phủ và điều phối cuộc chiến chống dịch bệnh như thế nào?

Chiến lược đối phó với đại dịch Covid-19 của Anh vốn đã căng thẳng và gây nhiều tranh cãi ngay từ đầu khi chính phủ nước này bị chỉ trích là quá thờ ơ và chủ quan với dịch bệnh và đặc biệt là tuyên bố ban đầu về việc để bệnh lây lan tự nhiên và “tự miễn dịch” của một quan chức trong chính phủ. Thủ tướng Johnson cũng bị chỉ trích là không hành động đủ nhanh để đóng cửa trường học và ra lệnh phong tỏa. Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Raab khẳng định, chính phủ sẽ tiếp tục đảm bảo thực thi các kế hoạch của Thủ tướng Johnson phục vụ nỗ lực đẩy lùi tình trạng bùng phát dịch bệnh. Phát biểu trước báo giới hôm 7-4, ông Raab nhấn mạnh: “Công việc của chính phủ sẽ tiếp tục diễn ra. Thủ tướng đang được chăm sóc tốt… và trọng tâm của chính phủ sẽ tiếp tục tập trung vào nỗ lực đảm bảo sự chỉ đạo của Thủ tướng, mọi kế hoạch nhằm đảm bảo rằng chúng ta có thể đánh bại virus Corona và có thể đưa đất nước vượt qua thách thức này sẽ được xúc tiến”.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chiến lược điều hành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi vì ông Raab là người dẫn đầu lực lượng đối lập với ông Johnson trong cuộc cạnh tranh năm ngoái.

Ai nắm giữ “nút bấm hạt nhân” của Anh?

Mặc dù Ngoại trưởng Raab đã được “chọn mặt gửi vàng” thay thế Thủ tướng Anh Boris Johnson xử lý công việc trong những trường hợp cần thiết, chính phủ nước này ngày 7-4 vẫn từ chối cho biết ai chịu trách nhiệm giữ “nút bấm hạt nhân” trong tình hình hiện nay?

Khi được BBC hỏi liệu Ngoại trưởng Raab có được trao mã hạt nhân trong khi Thủ tướng Johnson được điều trị hay không, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove cho biết: “Tôi chỉ thực sự không thể nói về các vấn đề an ninh quốc gia”. Vương quốc Anh là một trong 5 quốc gia chính thức có vũ khí hạt nhân và có 4 tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo Trident II D5 chứa đầu đạn hạt nhân. London có kho dự trữ khoảng 215 đầu đạn hạt nhân, mặc dù  có khoảng 120 chiếc đang hoạt động. Chỉ Thủ tướng Anh mới có thể quyết định cho một cuộc tấn công hạt nhân. Một mệnh lệnh như vậy sẽ được truyền tới một trong những tàu ngầm hạt nhân của Anh với một bộ mã đặc biệt.

 KHẢ ANH