Ánh sáng cuối đường hầm
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi ngày 22-1 đạt được thỏa thuận với nhóm phiến quân Houthi về chấm dứt tình trạng đối đầu bạo lực tại thủ đô Sanaa, vốn phủ bóng đen lên nền chính trị nước này trong nhiều ngày qua.
Theo thỏa thuận, phiến quân Houthi có vũ trang phải rút khỏi nhà riêng của Tổng thống Hadi cũng như Dinh Tổng thống mà nhóm này chiếm đóng từ hôm 20-1. Chính phủ cũng kêu gọi phe Houthi trả tự do cho một cố vấn cấp cao của ông Hadi bị phiến quân bắt cóc trong những ngày gần đây. Đáp lại, chính phủ sẽ đáp ứng yêu cầu của phe Houthi về sửa đổi hiến pháp và tăng cường số lượng đại diện của nhóm này trong Quốc hội cũng như các thể chế nhà nước.
Mặc dù một thỏa thuận đã ra đời, song số phận của nó vẫn rất mong manh. Bởi giới phân tích cho rằng, chỉ cần một sơ suất nhỏ, căng thẳng chính trị tại thủ đô Yemen có thể lại bùng phát bất kỳ lúc nào. Hiện tại, chính quyền Yemen đang nỗ lực hình thành một ủy ban giám sát để xem xét việc sửa đổi dự thảo hiến pháp và khôi phục an ninh tại thủ đô Sanaa. Nhưng nếu làm không thỏa đáng, phe Houthi lại có cớ để nổi dậy.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng, bất chấp thỏa thuận này, các nhà phân tích cho rằng, các phiến quân Houthi vẫn là nhân tố nắm quyền thống trị ở Yemen. Bởi theo họ, nếu Tổng thống Hadi vẫn tại nhiệm, quyền lực thật sự không nằm trong tay nhà lãnh đạo này. Trên thực tế, dù đạt thỏa thuận, phe Houthi vẫn bao vây tư dinh Tổng thống và Dinh Tổng thống. Mối lo sợ hiện hữu là quốc gia này sẽ bị nhấn chìm vào cuộc nội chiến. Một số người lo sợ, phe Houthi có thể gây tan rã Yemen, vốn đoàn kết hiếm hoi từ năm 1990. Nhà phân tích chính trị Mansour Hayel lo sợ, và rồi Yemen có thể trở nên tồi tệ hơn so với Somalia.
Các lực lượng chính trị ở Yemen khởi đầu đối thoại hòa giải dân tộc từ tháng 3-2013, 2 năm sau cuộc biểu tình buộc cựu Tổng thống Ali Saleh Abdullash từ chức. Cuộc đối thoại kết thúc vào tháng 1-2014, khi có quá ít đảng chính trị sẵn sàng thỏa hiệp.
Theo các tài liệu chính thức của cuộc đối thoại quốc gia, Yemen hiện chia thành 6 khu vực liên bang, trong đó cấp thêm quyền lực cho chính quyền và các bộ lạc khu vực kể từ khi chính quyền trung ương ở Sanaa suy yếu bởi những biến động năm 2011. Tuy nhiên, nhóm Houthi nhấn mạnh, nước này được chia thành 2 khu vực liên bang và họ kiểm soát một phần. Và đó là lý do vì sao phe Houthi quyết định “đảo chính” và tiếm quyền trong những ngày qua.
Nếu tiếp tục căng thẳng, Yemen rõ ràng mất đi một cơ hội lịch sử để tiến đến sự thay đổi chính trị thực sự mà người dân mong chờ trong nhiều thập kỷ.
Thanh Văn