Báo Công An Đà Nẵng

Anh tìm “lối thoát mới” hậu Brexit

Thứ tư, 29/08/2018 15:26

Thủ tướng Theresa May đã công bố kế hoạch thúc đẩy đầu tư của Anh tại Châu Phi thời kỳ hậu Brexit (London rời EU), trong chuyến công du đầu tiên của mình đến lục địa này.

Thủ tướng Anh Theresa May thăm một ngôi trường ở Gugulethu trong chuyến công du Nam Phi hôm 28-8. Ảnh: PA

Trong khi cuộc ly hôn với Liên minh Châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - đang vướng quá nhiều rắc rối, Thủ tướng Theresa May đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến các quốc gia Châu Phi gồm Nam Phi, Nigeria và Kenya nhằm thúc đẩy đầu tư của Anh vào lục địa đen.

Mối quan hệ lịch sử của Anh với nhiều nước Châu Phi vẫn vướng nhiều vấn đề nhưng như Thủ tướng May tuyên bố, bà sẽ tìm kiếm nhiều cơ hội trong chuyến đi lần này khi London đang chú ý đến các nền kinh tế mới nổi.

Thúc đẩy đầu tư tại Châu Phi

Chuyến đi của Thủ tướng May nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với các nền kinh tế Châu Phi đang phát triển trước khi London rời EU vào năm 2019.

Ngay khi đến Nam Phi vào sáng 28-8, bà May thừa nhận Anh không thể sánh với “sức mạnh kinh tế” của một số nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc hay Mỹ ở Châu Phi nhưng hy vọng sẽ đưa London vượt Washington trở thành nhà đầu tư lớn nhất của khối G7 tại lục địa này vào năm 2022. Trong bài phát biểu tại Cape Town, thủ đô lập pháp của Nam Phi, Thủ tướng May cam kết tài trợ 4 tỷ bảng Anh cho các nền kinh tế Châu Phi, để tạo việc làm cho những người trẻ tuổi.

Trong chuyến công du đầu tiên của mình đến lục địa này, bà cũng cam kết một “sự thay đổi cơ bản” trong chi tiêu viện trợ để tập trung vào các thách thức kinh tế và an ninh lâu dài hơn là giảm nghèo ngắn hạn. Vị nữ lãnh đạo này cũng kiên quyết bảo vệ các khoản chi tiêu viện trợ của Anh ở Châu Phi, mục tiêu vấp phải chỉ trích từ một số nghị sĩ phe bảo thủ ở trong nước. Ngân sách viện trợ ở nước ngoài của Anh tổng cộng 13,9 tỷ bảng vào năm 2017, tăng 555 triệu bảng so với năm 2016. Đầu tư trực tiếp của Anh ở Châu Phi là 42,7 tỷ bảng trong năm 2016, so với 44,3 tỷ bảng từ Mỹ, 38 tỷ bảng từ Pháp và 31 tỷ bảng từ Trung Quốc.

Con số này cho thấy, các nhà lãnh đạo lục địa đen sẽ gặp bài toán khó khăn khi cần phải quyết định sẽ ưu tiên bên nào: một Trung Quốc đầy tham vọng, khối Liên minh Châu Âu khổng lồ, nước Mỹ giàu có, hoặc một nước Anh có liên quan lịch sử.

Nguy cơ “Brexit cứng” đang cận kề

Trên đường đến Nam Phi, Thủ tướng Mỹ cũng phớt lờ những lời cảnh báo về thiệt hại kinh tế đối với nước Anh một khi London rời đi mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.

Bà May tuyên bố, không có thỏa thuận còn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi. Bà cũng nhắc lại những bình luận từ người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng, việc Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào “sẽ không phải một chuyến đi dạo trong công viên”. Nhà lãnh đạo Anh sau đó nhấn mạnh, việc không thể đạt được một thỏa thuận về quan hệ thương mại với EU trước khi rời khối này vào tháng 3-2019 sẽ “không phải là ngày tận thế”. 

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã khuấy đảo chính trường Anh với tuyên bố, “Brexit cứng” có thể tác động tiêu cực tới tình hình tài chính công của nước này. Ông Hammond cho rằng, một kịch bản như trên có thể khiến số nợ vay của Anh tăng khoảng 80 tỷ bảng Anh/năm trong giai đoạn 15 năm khi nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm hơn. Thực tế, Anh và EU vẫn chưa tìm được lối ra cho Brexit. Các chủ đề chính như giải pháp để tránh một biên giới cứng với Ireland, tuyên bố chính trị về mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh cũng như các vấn đề nổi bật khác của thỏa thuận Brexit... vẫn còn nằm trên bàn đàm phán.

KHẢ ANH

Pháp lập kế hoạch dự phòng cho “Brexit cứng”

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã yêu cầu các bộ trưởng chuẩn bị những biện pháp dự phòng trong trường hợp xảy ra “Brexit cứng” để giảm thiểu những khó khăn liên quan đến thách thức chưa từng có này.

Các biện pháp sẽ bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trú của công dân Anh hiện đang sống ở Pháp và đảm bảo kiểm soát biên giới. Chính phủ sẽ yêu cầu Nghị viện thông qua các biện pháp này trong những tuần tới.