Ánh Viên giành 18 HCV, phá 14 kỷ lục tại ĐH TDTT toàn quốc 2014: Chuyện đáng để ngẫm
(Cadn.com.vn) - Nguyễn Thị Ánh Viên đã thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại ĐH TDTT toàn quốc 2014 khi giành 17 HCV cá nhân, 1 HCV và 2 HCB đồng đội; phá 3 kỷ lục QG và 11 kỷ lục ĐH TDTT toàn quốc. Nữ kình ngư người Cần Thơ đã làm dậy sóng làn bơi xanh tại bể bơi TP Nam Định.
Ánh Viên thâu tóm HCV tại ĐH TDTT toàn quốc 2014 không có gì bất ngờ. Ảnh: Q.H |
1. Chiến tích của Ánh Viên chẳng khiến ai bất ngờ, thậm chí có thêm bao nhiêu nội dung thi đấu nữa thì HCV đều khó vuột khỏi tay kình ngư này. Đơn giản, Ánh Viên là VĐV đẳng cấp châu lục, từng giành HCV Olympic trẻ 2014 nội dung 200m hỗn hợp.
Ánh Viên là VĐV được xếp hạng “nguyên khí quốc gia” nên được Nhà nước đầu tư lớn. Mỗi năm, ngành thể thao đầu tư cho Ánh Viên tập huấn dài hạn ở Mỹ tiêu tốn trung bình 200.000 USD. Số tiền này được Tổng cục TDTT chi trả một nửa, nửa còn lại do phía Quân đội đầu tư.
Nói vậy để thêm một lần khẳng định, thành tích mà cô gái người Cần Thơ giành được tại ĐH TDTT toàn quốc 2014 không bất ngờ nhưng làm hài lòng giới chuyên môn. Hài lòng ở chỗ Ánh Viên đã cải thiện được thành tích đáng kể sau quá trình tập huấn dài hạn, đồng thời khẳng định mình là VĐV số một Việt Nam, xứng đáng với những gì được quan tâm.
Về phía đơn vị chủ quản là đoàn Quân đội, họ tự hào vì sở hữu một VĐV như Ánh Viên.
Cụ thể, Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành HCV 200m ếch; HCV 800m nữ với thời gian 8 phút 54 giây 34, lập kỷ lục ĐH; HCV 50m tự do và phá kỷ lục QG với thành tích 26 giây 70; HCV 200m bướm và HCV 400m hỗn hợp (cùng phá kỷ lục ĐH); HCV đồng đội tiếp sức 4x100m hỗn hợp và 2 HCB (4x100 m tự do, 4x200 m tự do); HCV 50m ếch, 200m ngửa, 200m hỗn hợp, 50m bướm, 100m tự do, 100m ếch, 400m tự do, 100m ngửa, 100m bướm, 1.500m tự do, 50m ngửa, 200m tự do. Ánh Viên đã giành trọn vẹn 17 bộ huy chương ở nội dung cá nhân, 1 nội dung đồng đội, giúp đoàn Quân đội vượt qua TPHCM và Đà Nẵng để chiếm ngôi nhất toàn đoàn môn bơi (18 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ). |
2. Tuy nhiên, câu chuyện chiến tích vô tiền khoáng hậu của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tại ĐH TDTT toàn quốc 2014 cũng thật đáng ngẫm.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một VĐV đẳng cấp châu lục như Ánh Viên lại tham gia một giải đấu cấp ĐH TDTT toàn quốc cho bỏ công, mà thậm chí tham gia hết các nội dung dành cho nữ. Xét về khía cạnh chuyên môn, Ánh Viên sẽ khó gặt hái được gì ngoài những tấm huy chương, bởi các đối thủ của cô trình độ thua kém nên không tạo ra tính cạnh tranh. Câu trả lời ở đây là phải chăng vì “căn bệnh thành tích”?
Lâu nay, người ta nói nhiều đến bệnh thành tích ở ĐH TDTT toàn quốc. Theo đó, có nhiều địa phương chỉ đầu tư dạng “ăn đong” theo cách ký hợp đồng thời vụ với những VĐV đỉnh cao để thu HCV mỗi kỳ ĐH, mà bỏ qua chiến lược đầu tư bền vững. Vì thế, giá trị thực của những tấm HCV ở ĐH TDTT toàn quốc luôn là đề tài đáng bàn. Tất nhiên, trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên hoàn toàn khác. Ánh Viên là người của Quân đội nên việc đơn vị này đăng ký cho cô thi đấu bao nhiêu nội dung là quyền của họ.
Có điều, liệu việc Ánh Viên đăng ký nhiều nội dung ở ĐH TDTT toàn quốc như thế là tốt cho bản thân VĐV này và thể thao Việt Nam? Như đã nói ở trên, thi đấu ở ĐH TDTT không giúp nhiều cho Ánh Viên về mặt cọ xát để nâng cao thành tích. Mặt khác, sự có mặt của Ánh Viên ở tất cả các nội dung dường như khiến các đối thủ còn lại không có cơ hội cạnh tranh HCV. Nói không quá, ở đấu trường ĐH TDTT, chỉ cần nhảy xuống nước là Ánh Viên có HCV. Một HLV từng trăn trở với báo chí: “Ánh Viên được Nhà nước đầu tư nhiều tiền nên trình độ của cô hơn hẳn những VĐV khác. Vì thế, VĐV của tôi khi thấy Ánh Viên thì đã mất hết ý chí vì biết chắc không thể thắng được”. Thực tế cũng đã cho thấy điều đó khi Ánh Viên thống trị tất cả các nội dung cá nhân.
Từ câu chuyện của Ánh Viên, nên chăng Tổng cục TDTT cần xem lại điều lệ ĐH TDTT toàn quốc. Hiện tại, Điều lệ ĐH TDTT toàn quốc không cấm một VĐV được đăng ký giới hạn bao nhiêu nội dung thi đấu trong một môn. Thế mới có chuyện Ánh Viên thâu tóm hết HCV. Chúng ta nên hạn chế nội dung thi đấu trong một môn đối với một VĐV để tránh trường hợp như Ánh Viên lặp lại. Có như vậy, các địa phương khác mới có cơ hội đua tranh huy chương, góp phần chung vào thành công của ĐH.
Ở khía cạnh khác, sự thống trị của Ánh Viên cho thấy tại ĐH TDTT toàn quốc lần này, bơi lội Việt Nam chưa xuất hiện thêm gương mặt nào thực sự đáng chú ý.
Quang Hải