Báo Công An Đà Nẵng

Anh - "vườn ươm" Hồi giáo cực đoan

Thứ sáu, 29/08/2014 08:28

(Cadn.com.vn) - "Bất kỳ nỗ lực nào của ông Obama, nhằm chống lại quyền được sống an toàn trong Caliphate - Nhà nước của những người Hồi giáo - sẽ dẫn đến đổ máu", đó là những lời cuối cùng mà nhà báo James Foley nghe trước khi bị hành quyết dã man trong đoạn băng rùng rợn được phát đi khắp thế giới.

Giọng London của người đàn ông đeo mặt nạ trong đoạn băng là điều khiến nhiều người chú ý và châm ngòi tranh luận về việc Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, hiện là một trong những "vườn ươm" chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo lớn nhất của phương Tây.

Trong nhiều năm qua, khoảng 500 người liên quan đến Anh gia nhập hàng ngũ của IS - nhóm chiến binh tuyên bố lập Caliphate ở Syria và Iraq.

Theo tính toán của CNN - dựa trên ước tính của chính phủ về số người rời đất nước đến Syria, và số người Hồi giáo tại mỗi quốc gia - Anh có số tân binh IS ngang bằng với Pháp, thấp hơn nhiều so với Australia, Bỉ và một số nước Bắc Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng tại Anh.

Ai được IS tuyển dụng?

Các cơ quan tình báo Anh MI5 và MI6 thông báo xác định được danh tính kẻ khủng bố hành quyết nhà báo Foley. Trong số các thành viên của nhóm vũ trang IS, tên này được gọi là Jihadi John. Một năm trước, Jihadi John từng sống trong tòa biệt thự sang trọng trị giá 1 triệu bảng ở phía Tây London.

Đoạn băng chiếu cảnh giết Foley không chỉ là thông điệp gửi đến Mỹ và cũng là đoạn băng tuyển dụng những nam giới trẻ như Abu Bakr và Abu Anwar, các tay súng chiến đấu nước ngoài tại Syria. Abu Anwar đến từ Anh. Y nói rằng cảm thấy "vinh dự" khi tham gia vào một hành động tương tự chống lại đối thủ của IS.

"Tôi hy vọng rằng Thánh Allah mang lại cho tôi một cơ hội để giết những kẻ thù như Foley", y nói với CNN. Các chiến binh trẻ tuổi như Abu Anwar là ai? Các chuyên gia vẽ ra bức tranh đa dạng về các phần tử cực đoan Hồi giáo Anh. Hầu hết là đàn ông độc thân ở độ tuổi dưới 30, nhưng cũng có những người lớn tuổi, lập gia đình và có con. Nhiều người cải đạo sang Hồi giáo hoặc là những người Hồi giáo nhập cư được sinh ra ở Anh.

Trong lần nói chuyện cuối cùng với CNN, Abu Bakar khẳng định y sẽ không trở về nước, nhưng kế hoạch của y hiện giờ đã thay đổi. Bakar sẽ mang cuộc thánh chiến về đất Anh.

Nhà chức trách đang theo dõi phần tử thánh chiến thông qua các trang mạng xã hội. Ảnh: CNN

Áp lực lên Thủ tướng Anh

Hàng trăm chiến binh thánh chiến của Anh tại Syria đang khoe khoang về việc tham gia chiến trường trên các phương tiện truyền thông xã hội. Các tài khoản này được các nhà phân tích tại Đại học King ở London nghiên cứu. Họ đang theo dõi hơn 450 tay súng thông qua các trang mạng trực tuyến. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi xác định được kẻ đao phủ giết nhà báo Foley, London vẫn không làm được gì, không có gì đảm bảo tên này sẽ phải đối mặt với pháp luật.

Giọng London trong đoạn băng khiến thế giới nghĩ về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong quá khứ tại Anh. Một người tên Zakariyah cho rằng, dù không tha thứ cho hành động này (giết chết nhà báo Foley) nhưng "nếu bạn tấn công một người nào đó, họ phải chiến đấu chống lại", ngụ ý về các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq. Một người khác cho biết sẽ rất vui khi được chuyển sang Syria và sống theo luật Sharia. Trung tâm nghiên cứu Pew dự đoán, dân số Hồi giáo của Anh sẽ tăng gấp 5 lần từ năm 1990 đến năm 2030.

Và tất cả đang đặt áp lực lên vai Thủ tướng Anh David Cameron, người đối mặt với sức ép phải có hành động cứng rắn hơn nhằm vào những công dân nước này hiện "chung chiến hào" với IS. Thị trưởng London Boris Johnson, nhân vật đang cạnh tranh mạnh với ông Cameron trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, yêu cầu chính phủ phải triển khai những biện pháp khẩn cấp như siết chặt kiểm soát tại cửa khẩu biên giới, hủy hộ chiếu... ngăn chặn các đối tượng này quay lại Anh.

Trước đó, Hạ nghị sĩ David Davis bác bỏ đề xuất của Bộ trưởng Nội vụ Theresa May rằng, lệnh tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu biên giới chỉ nên áp dụng cho những đối tượng tình nghi là cực đoan. Theo bà May, chính phủ hủy bỏ quốc tịch Anh của những đối tượng cực đoan mang hai quốc tịch.

Nhưng Anh sẽ vi phạm luật quốc tế nếu đẩy công dân đến chỗ không được quốc gia nào thừa nhận.

An Bình
(Theo CNN)