Anna Freud - Người kế thừa phân tâm học trẻ thơ
(Cadn.com.vn) - Anna Freud được xem là di sản vô giá của cha, ông Sigmund Freud - người sáng lập lĩnh vực phân tâm học thếgiới - đặc biệt là lĩnh vực phân tâm học trẻ em.
Cha, con và phân tâm học gây tranh cãi
Sigmund Freud (1856-1939) là bác sĩ thần kinh, tâm lý người Áo, “cha đẻ” lĩnh vực phân tâm học.
Đến nay, thuyết phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí người ta còn coi ông là "tội nhiều hơn công", nhất là hiệu quả liệu pháp phân tâm học mà ông phát minh. Tuy nhiên, giới y học cũng thừa nhận, tư tưởng học thuyết của ông có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX, nhất là khi ông công bố cuốn Die Traumdeutung (Giải mã chiêm bao) năm 1900 nói về nền tảng của học thuyết phân tâm học. Và từ đây học thuyết của ông không ngừng trở thành “lối đi rộng rãi dẫn vào cõi vô thức ẩn náu trong con người”.
Khi còn sống, Sigmund đặt rất nhiều hy vọng về các học trò của mình nhưng ông lại không nghĩ rằng con gái Anna Freud lại đi theo nghiệp cha. Càng lớn, Anna lại càng bộc lộ thiên hướng của mình và là người duy nhất được xem là người kế thừa "bền vững" sự nghiệp hoạt động và nghiên cứu của cha, chính thức bước chân vào lĩnh vực phân tâm học từ năm 13 tuổi.
Hai cha con Anna Freud. |
Anna Freud - nhà khoa học vì trẻ thơ
Anna Freud (12-1895 – 10-1982) là con gái thứ 6 của Sigmund Freud. Bà sinh ra tại Vienna, Áo.
Khi bước vào tuổi 13, Anna đam mê đọc các công trình nghiên cứu về tâm lý học của cha và mong một ngày nào đó viết được cuốn sách về giấc mơ mà bản thân bà ấp ủ. Do chiến tranh thế giới bùng nổ, việc học hành và nghiên cứu của Anna cũng gặp nhiều trắc trở, thậm chí có lúc bà mắc cả bệnh trầm cảm nặng. Năm 1914, Anna Freud bắt đầu giảng dạy và tham gia các nghiên cứu về phân tâm học cùng với cha. Từ đây trở đi đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của bà.
Sự nghiệp nghiên cứu của Anna tạo ra cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực điều trị cho trẻ em. Một trung tâm ở Hampstead, phía bắc London (Anh) hiện mang tên bà chính là nơi Anna sáng lập, có tên Trung tâm chăm sóc trẻ em chiến tranh Hampstead (HWN), khai trương năm 1941 chăm sóc hàng trăm trẻ em vô gia cư vì cảnh ngộ chiến tranh.
Với cương vị là giáo viên, Anna không chỉ chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ mà còn sáng lập ra phong trào Maria Montessori.
Tại đó, bà giúp đỡ các đồng nghiệp bằng nhiều cách làm việc hiệu quả trong việc giáo dục trẻ thơ. Theo Anna, nếu như ở một đứa trẻ "chậm tiến", các điều trị viên cần phải xác định được nguyên nhân, trao đổi, diễn tả cụ thể những lý do gây chậm tiến một cách mạch lạc và chính xác dựa trên hệ thống đánh giá bằng từ ngữ chuyên môn.
Theo tiến sĩ Nick Midgley, chuyên gia tâm lý của HWN, Anna có công rất lớn trong việc chăm sóc trẻ nhỏ có hoàn cảnh cơ nhỡ do chiến tranh, trong số này có bé trai tên Bertie, mất cả cha lẫn mẹ bị máy bay giết hại. Khi mới vào trung tâm, Bertie lầm lì ít nói, mặc cảm, tránh xa bạn bè. Nhưng nhờ cách tiếp cận và giáo dục của Anna, Bertie nhanh chóng hội nhập. Rất nhiều người nổi tiếng ra đi từ mái nhà HWN như nam diễn viên Michael Byrne là một ví dụ. Năm 1941, Michael được người mẹ trẻ chưa lập gia đình đưa đến trung tâm. Michael được "mẹ" Anna Freud quan tâm dạy dỗ nên ông trưởng thành, thành đạt và coi HWN là gia đình và Anna là người mẹ thứ hai.
Tiến sĩ Inge Pretorius, chuyên gia phân tâm học trẻ vị thành niên và tâm lý trị liệu của HWN cho biết, phần lớn những đứa trẻ của trung tâm đều phát triển tốt ngay từ nhỏ. Sự thành công này có đóng góp không nhỏ của Anna, người sớm nhận biết các mối quan hệ trong quá trình phát triển của trẻ để can thiệp, uốn nắn kịp thời. Theo Anna, nếu bỏ qua cái tôi, con người mới có thể nhìn thấy các hoạt động vô thức một cách tổng thể hơn.
Nếu cha bà dành trọn sự nghiệp để nghiên cứu về tâm lý người lớn, Anna lại tập trung nghiên cứu về tâm lý trẻ em, nhất là nhóm trẻ sinh trưởng trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, ly tán và cơ nhỡ, những vấn đề khó khăn hiện tại của các em để đánh thức khát khao, mang đến cho các em một tương lai tốt đẹp hơn.
Kim Hùng
(Theo OIC/BBC)