Báo Công An Đà Nẵng

“Áo lụa Duy Xuyên” - nỗi lòng với đời, với người

Thứ ba, 02/08/2016 11:03

Nặng lòng nên phải đi tìm

Chân mây ngọn cỏ, bóng chim cuối trời

                                                       (Người đi).

Dọc theo suốt hơn 200 trang thơ trong tập "Áo lụa Duy Xuyên" (NXB Đà Nẵng, 2015) dày dặn của tác giả cao tuổi Lê Đào, tôi nhận ra bao nỗi niềm tâm sự trĩu nặng trong tâm tư người cán bộ cách mạng lão thành. Có thể gọi được tên của nó là nỗi nặng lòng. Nặng lòng với quê hương đất nước. Nặng lòng với đồng chí đồng đội. Nặng lòng với đồng bào, với những người thân yêu. Nặng lòng với mẹ, với em... Bao trùm lên tất cả, là nặng lòng với tình yêu, với cuộc đời.

Nỗi lòng ấy dường như đã tích tụ, dồn nén từ thuở chàng trai Lê Đào 16 tuổi rời làng quê yêu thương ra đi theo tiếng gọi non sông, tham gia phong trào Việt Minh, trải qua bao năm tù tội dưới nhà tù thực dân ở Hỏa Lò, trở thành một Tỉnh ủy viên trẻ của Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1950, rồi tham gia nhiều lĩnh vực công tác tại Bộ Công nghiệp nặng ở miền Bắc sau năm 1954; năm 1975 trở về Quảng Nam – Đà Nẵng nhận nhiều trọng trách với các chức vụ Phó Chủ tịch UBND Tỉnh phụ trách Công nghiệp – Giao thông, Trưởng đoàn chuyên gia tại Campuchia và nghỉ hưu năm 1988 với cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy... Một cuộc đời nhiều cống hiến hy sinh và thành đạt, được ghi nhận đánh giá cao. Nhưng trong sâu thẳm, ngay cả trong những năm tháng hoạt động sôi nổi mà hầu hết thời gian với cương vị một người lãnh đạo, một cán bộ quản lý các ngành khoa học, trái tim ông vẫn vẹn nguyên là một trái tim thi sĩ, luôn nặng lòng với thơ ca, nồng nàn với tình đời, say đắm với con người dù ở hoàn cảnh nào, môi trường nào.

 

Chỉ khi có một trái tim thi sĩ mới có thể không bao giờ dứt mối tơ vương quấn quít với cuộc đời dù đã nhận biết rằng cuộc đời mong manh vô thường như cơn gió thoảng sau rất nhiều năm tháng đã sống:

Mãi còn một chút tơ vương

Mong manh cơn gió vô thường bay qua

                                            (Mong manh).

Sự khắc khoải của tình yêu làng quê xa khuất với nỗi tương tư ngày xưa như một khúc đoạn trường, câu thơ dùng những hình ảnh không lạ nhưng lại làm nên nét lạ tạo nên sự xúc động bởi cách diễn đạt tự nhiên khi nối kết chúng lại cùng nhau:

Quanh co là những con đường

Tương tư là khúc đoạn trường ngày xưa

(Xa quê).

Và, cũng như mọi tâm hồn thi sĩ, những dòng thơ hay nhất, say đắm nhất trong "Áo lụa Duy Xuyên" là những dòng thơ dành cho tình yêu: yêu biển đảo Tổ quốc, yêu xóm làng đất quê, yêu mẹ, yêu chị, yêu gia đình vợ con, yêu thời hoa niên tươi trẻ... Tình yêu đã trở nên một triết thuyết, một quan niệm nghệ thuật của tác giả:

Chiếc hôn sau kế tiếp chiếc hôn đầu

Đời chỉ đẹp hơn khi biết yêu và sống

                                                      (Tự sự 4).

Nỗi đắm say và quan niệm về tình yêu như thế đã đem đến cho tác giả những câu thơ đẹp khi nói về đôi mắt người mình yêu:

Đôi mắt em làm nên ngọc trăng rằm

Đang tỏa sáng giữa lung linh trời biếc

Thời gian đi, thời gian trôi biền biệt

Biết làm sao cầm được viên ngọc

trên tay

                                  (Mong manh).

Ở trái tim thi sĩ say đắm đó, đôi khi những tình yêu hòa quyện vào nhau, cùng nâng nhau lên để trở thành những tình cảm thiêng liêng, như tình yêu đôi lứa cùng hòa vào tình yêu biển đảo Tổ quốc:

Gió đi từ hải đảo

Bạn đêm hè... canh trưa

Em không làm ra mưa

Lời em làm gió mát

                                           (Gió).

Vững thế đứng, Trường Sa xây

điểm tựa

Viên thuốc mũi kim thức giữa

canh trường

Tà áo trắng dài mưa gió nhuộm sương

Ánh mắt sáng xua tan đàn cá mập

             (Chiếc áo Trường Sa).

Có thể nhận ra, trong suốt hơn 200 trang của tập thơ "Áo lụa Duy Xuyên", những câu thơ có sức nặng làm nên linh hồn của tập thơ, những câu thơ xúc động nhất của toàn bộ tập thơ vẫn là những câu thơ giản dị mà sâu nặng tác giả dành cho người mẹ kính yêu của mình. Một người mẹ suốt đời thầm lặng hy sinh, tần tảo quanh năm để đem lại cái hay cái đẹp cái mới cái lành lặn cho đời, còn mình chịu nhận sự thiệt thòi như những tấm vải mẹ tự tay dệt và mang ra chợ bán:

Tấm vải kia đem bán ở chợ trời

Người qua lại lượn màu hồng

xanh trắng

Mẹ chỉ mặc vào mình bao cay đắng

Vẫn hài lòng chiếc áo cũ màu phai

                                        (Áo vải mẹ tôi).

Một người mẹ đến giấc ngủ cũng chưa bao giờ được phút bình yên:

Mẹ nằm trở giấc hiu hiu

Gió bay tóc mẹ như thiêu nỗi lòng

        (Chào mẹ con đi).

Bao nhiêu nỗi niềm sâu lắng đến nặng lòng đã được gởi vào những câu thơ không hoa mỹ, không cầu kỳ của tác giả ở tập thơ “Áo lụa Duy Xuyên" rất đáng được trân trọng và chia sẻ...

Nguyễn Kim Huy