Báo Công An Đà Nẵng

Ảo mộng xứ người (2)

Thứ tư, 01/10/2014 09:00

* Kỳ cuối: Đi vào cạm bẫy

(Cadn.com.vn) - Thượng úy Lê Nam - cán bộ An ninh CAH Cam Lộ cho biết, đây là lần đầu tiên địa bàn xảy ra tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn. Lực lượng CAH đã nhanh chóng phối hợp với các tổ chức, đơn vị tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đồng thời thông báo thủ đoạn của các đối tượng đến người dân nhằm nâng cao cảnh giác trước những lời rủ rê, lôi kéo. Từ đó không phát sinh thêm trường hợp nào mới ngoài 56 trường hợp đã đi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân đã nhận thức rõ hành vi sai trái và cam kết không tái diễn. Nhưng nhu cầu việc làm là cần thiết, việc họ quay lưng với cơ hội tại quê hương là dấu hỏi lớn, thậm chí vét sạch đồng tiền chắt chiu để nộp cho một kẻ không nghề ngỗng vì giấc mơ xuất khẩu lao động (XKLĐ) đổi đời.

Trường hợp gia đình ông Đặng Văn Quốc sập bẫy người hàng xóm là ví dụ điển hình. Trung tuần tháng 9-2014, chúng tôi tìm về thôn Nam Sơn, xã Trung Giang (H. Gio Linh) hỏi thăm gia đình vợ chồng ông Đặng Văn Quốc và bà Bùi Thị Chữ. Chuyện bị đối tượng Nguyễn Minh Tuấn lừa đi Hàn Quốc không riêng gì của vợ chồng ông Quốc tại thôn Nam Sơn này. Nhưng hậu quả của việc đi hụt ấy của gia đình ông hoàn toàn khác.

Ngày 12-8-2014, VKSND tỉnh Quảng Trị có kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Quyết định số 22/2013/QĐST – DS ngày 6-9-2013 của TAND H. Gio Linh về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, trong đó vợ chồng ông Quốc là nguyên đơn. Bị đơn là bà Đặng Thị Thu, trú cùng địa chỉ, là mẹ của bị can Nguyễn Minh Tuấn trong vụ lừa đảo XKLĐ sang Hàn Quốc bị CAH Gio Linh đấu tranh, bắt giữ cùng các đồng phạm vào trung tuần đầu tháng 9-2013. Theo nội dung kháng nghị, căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị xét thấy số tiền mà bà Thu ký giấy vay của vợ chồng ông Quốc thực chất là để hợp thức hóa việc con trai bà Thu là Nguyễn Minh Tuấn đã nhận tiền của vợ chồng ông Quốc trước đó để đưa Nguyễn Thành Hưng (con trai ông Quốc, bà Chữ) đi XKLĐ, không phải là khoản tiền vay cho vay giữa các bên.

TAND H. Gio Linh đã biết giấy vay tiền chỉ là giả tạo nhằm hợp thức hóa hành vi khác nhưng vẫn thụ lý vụ án và tiến hành hòa giải để ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự là không đúng với những tình tiết khách quan của vụ án. Mặt khác hành vi này hiện nay đang được Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, số tiền 90 triệu đồng trở thành tang vật vụ án hình sự không thể giải quyết bằng vụ án hình sự. VKS đề nghị TAND tỉnh Quảng Trị xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ quyết định công nhận và đình chỉ giải quyết vụ án.

Gia đình ông Quốc làm nghề sản xuất nước mắm nhỏ lẻ, thu nhập không ổn định
nên đối với khoản tiền 90 triệu đồng là vô cùng lớn.

Bất ngờ nhận được kháng nghị trên, vợ chồng ông Quốc hoang mang vì đó là khoản tiền quá lớn mà vợ chồng ông chắt chiu cũng như vay mượn khắp nơi để lo cho tương lai đứa con trai chưa nghề nghiệp ổn định. Ông Quốc thừa nhận có chuyện con trai ông đi cùng một số thanh niên cùng thôn vào Nam để tham gia khóa đào tạo phục vụ cho việc đi XKLĐ Hàn Quốc do Tuấn giới thiệu và tổ chức. Gia đình không hề biết bị lừa. Cũng theo ông Quốc, việc giấy vay nợ giữa hai bên đương sự được lập tại UBND xã Trưng Giang và căn cứ vào giấy tờ này, bà Thu trả cho ông bà là hợp lý.

Mới đây, TAND tỉnh Quảng Trị giám đốc thẩm vụ án dân sự và đã bác kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Trị vì cho rằng TAND H. Gio Linh đã tiến hành đầy đủ các thủ tục tố tụng theo Luật Tố tụng dân sự. Cho đến khi công nhận thỏa thuận của đương sự, TAND H. Gio Linh không nhận được bất kỳ thông tin nào của vụ kiện do các cơ quan, tổ chức, xã hội cung cấp nên sau khi hòa giải, thỏa thuận, các đương sự không có ý kiến gì nên Tòa ra quyết định công nhận thỏa thuận. Việc có các tài liệu cung cấp cho rằng liên quan hành vi khác là có sau khi Tòa ra quyết định công nhận. Lẽ dĩ nhiên, quyết định này sẽ tác động đến tính chất vụ án hình sự mà Nguyễn Minh Tuấn hiện là bị can.

Trở lại thời điểm đấu tranh vụ án lừa đảo, ngày 9-8-2013, CAH Gio Linh xác lập Chuyên án 139XK đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo XKLĐ, trong đó gồm Nguyễn Minh Tuấn, Anh Tuấn (trú TP Đông Hà) và Lê Đạo (trú Lâm Đồng). 3 đối tượng này móc nối, tạo niềm tin ảo, đưa một nhóm người vào Lâm Đồng rồi về TPHCM đào tạo tiếng, kỹ năng như đi XKLĐ thật. Sau khi nhận gần 900 triệu đồng, nhóm này thông báo Việt - Hàn tạm ngừng hợp tác XKLĐ. Đã nộp số tiền lớn, bị hại liền báo án. Đến trung tuần tháng 9 thì CA làm rõ, bắt giữ Nguyễn Minh Tuấn. Trong khi đó, quyết định vụ án dân sự trên là ngày 6-9-2013, khi chưa bắt Nguyễn Minh Tuấn, chưa khởi tố bị can.

Gia cảnh của nhiều bị hại trong vụ án đều trở nên lao đao, khốn đốn sau khi bị lừa đảo. Có người vỡ mộng, hụt hẫng, hối hận vì quá chủ quan tin vào lời của kẻ gian dối. “Vùng biển này nghèo khó, vay mượn đến gần 100 triệu đồng là cả khoản khổng lồ, nay làm sao để chúng tôi sớm nhận lại được tiền mà trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con nặng lắm” - ông Quốc đau đáu xen lẫn dằn vặt.

Chúng tôi đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Trị, ông Bùi Văn Lũy - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể, thu hẹp sản xuất, từ đó nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, một số đã qua đào tạo nhưng ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp nên khó được tuyển dụng. Mức thu nhập chi trả cho người lao động còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp ở trong tỉnh. Xu hướng tìm việc ngoài tỉnh của lao động phổ thông ở tỉnh Quảng Trị ngày càng giảm.

Đối với XKLĐ thời gian qua gặp nhiều khó khăn do thị trường lao động ở một số nước, khu vực có nhiều diễn biến bất lợi. Nhiều thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan có yêu cầu, tiêu chuẩn tuyển chọn ngày càng khắt khe và chi phí xuất cảnh lớn nên số lượng người tham gia vẫn rất ít. Trong khi một số thị trường có mức thu nhập trung bình như Malaysia, một số nước Trung Đông tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng các khoản thu nhập, chế độ đãi ngộ và tính ổn định về công việc chưa cao nên ít người tham gia.

Tuy nhiên, để bức bách phải vượt biên tìm việc như trên quả là nhức nhối. Lực lượng chức năng cảnh báo đến người dân có nhu cầu lao động nước ngoài phải đi theo con đường hợp pháp, tìm cơ hội tại trung tâm, tổ chức giới thiệu việc làm được Nhà nước cho phép. Trước hết là bảo vệ được chính mình trước những cạm bẫy khôn lường.

Phóng sự: Bảo Hà