Báo Công An Đà Nẵng

Áp dụng án lệ không phải là vấn đề mới ở nước ta

Thứ tư, 17/12/2014 10:52

(Cadn.com.vn) - Tại hội thảo về áp dụng án lệ trong công tác xét xử của tòa án được TAND Tối cao tổ chức tại TP Đà Nẵng vào trung tuần tháng 12 này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế,  TAND Tối cao về một số vấn đề về án lệ...

Ông Ngô Cường (bìa trái) phát biểu tại hội thảo về áp dụng án lệ.

P.V: Thưa ông, “án lệ” là khái niệm mà nhiều người quan tâm tuy nhiên không phải ai cũng hiểu. Vậy ông có thể cho bạn đọc rõ hơn về khái niệm này?

Ông Ngô Cường: Án lệ trong hệ thống luật thông pháp (tức hệ thống pháp luật bắt nguồn từ nước Anh) được hiểu là bản án do tòa án cấp cao ban hành, trong đó chứa đựng những quy định mới, những nguyên tắc luật pháp để giải quyết vụ án và những quy định, những nguyên tắc này bắt buộc các tòa án cấp dưới phải tuân theo khi giải quyết các vụ án tương tự xảy ra. Còn khái niệm án lệ trong hệ thống luật dân sự (tức hệ thống pháp luật bắt nguồn từ La Mã) được hiểu là bản án do tòa án cấp cao nhất ban hành, trong đó thể hiện quan điểm pháp lý khi giải thích và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án; là nguồn luật thực tế mà các tòa án cấp dưới vận dụng khi giải quyết những vụ án tương tự xảy ra.

Như vậy có thể nói, phần lớn các quốc gia dù là hệ thống luật thông pháp hay hệ thống luật dân sự đều sử dụng án lệ, tuy nhiên hiệu lực của án lệ thuộc 2 hệ thống này là khác nhau. Cụ thể, trong hệ thống luật thông pháp, án lệ là nguồn luật, các tòa án có nghĩa vụ phải tuân theo án lệ; án lệ được trích dẫn trong các bản án, được dùng làm căn cứ để kháng cáo bản án. Trong hệ thống luật dân sự án lệ không phải là nguồn luật, các tòa án không có nghĩa vụ phải tuân theo án lệ, không được phép trích dẫn án lệ khi giải quyết vụ án, không được căn cứ vào án lệ để kháng cáo bản án. Tuy nhiên, các tòa án thường vận dụng án lệ khi giải quyết những vụ án tương tự, do đó đương nhiên án lệ trở thành nguồn luật thực tế.

P.V: Vì sao chúng ta cần áp dụng án lệ, thưa ông?

Ông Ngô Cường: Có 2 lý do để chúng ta cần áp dụng án lệ: Thứ nhất, sử dụng án lệ sẽ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Đây là một yêu cầu quan trọng đối với hoạt động xét xử của tòa án, theo đó đường lối xét xử phải là nhất quán, các vụ án giống nhau cần phải được giải quyết giống nhau. Việc áp dụng pháp luật thống nhất còn bảo đảm thực hiện nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”; không thể có trường hợp cùng một tình tiết như nhau mà trong vụ án này, bị cáo bị phạt tù (giam) còn vụ án khác bị cáo lại được phạt tù (nhưng cho hưởng án treo)... Ở một mức độ nào đó, việc áp dụng luật thống nhất còn giúp cho mọi người có thể dự đoán trước kết quả giải quyết vụ án, do đó góp phần hạn chế kiện tụng, hạn chế khiếu nại giám đốc thẩm; Thứ hai, việc sử dụng án lệ còn giúp cho công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TAND Tối cao được kịp thời, đầy đủ.

Theo quy định tại Điều 22, Luật Tổ chức TAND thì Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao có nhiệm vụ “Hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật”. Việc hướng dẫn này thường được thực hiện bằng cách ban hành Nghị quyết của HĐTP của TANDTC. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy trình xây dựng Nghị quyết của HĐTP TAND Tối cao thường mất nhiều thời gian, hơn nữa Nghị quyết cũng là một dạng văn bản quy phạm pháp luật nên khó có thể quy định chi tiết cho từng trường hợp cụ thể cũng như bao quát hết các trường hợp chưa rõ ràng của pháp luật.

P.V: Như vậy,  cơ quan nào có thẩm quyền xây dựng án lệ?

Ông Ngô Cường: Theo quy định tại Điều 134 Hiến pháp thì “TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức TAND thì HĐTP TAND Tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn “Hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật”. Theo đó, chỉ có HĐTP TAND Tối cao mới có thẩm quyền xây dựng án lệ. Ở các nước sử dụng án lệ, thông thường khi xét xử, tòa án cấp cao nhất có hai nhiệm vụ đó là hủy các bản án có sai lầm và xây dựng án lệ.

P.V: Xin ông cho biết thêm, sử dụng án lệ có phải là vấn đề mới ở nước ta? Liệu án lệ sẽ bị bãi bỏ và những vướng mắc cần tháo gỡ? 

Ông Ngô Cường: Sử dụng án lệ không phải và vấn đề mới ở nước ta. Ở Việt Nam, việc sử dụng khái niệm “án lệ” có từ trước năm 1960. Khái niệm “án lệ” đã tồn tại và được sử dụng trong các văn bản pháp luật chính thức, công khai trên các tạp chí chuyên ngành, đường lối xét xử của tòa án về những vụ việc cùng loại được tập hợp, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, từ sau năm 1975 đến trước năm 2006 thì khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức, trong các sách báo pháp lý, khái niệm án lệ vẫn được bàn luận nhưng chỉ mang tính chất nghiên cứu học thuật.

Khái niệm “án lệ” tiếp tục được sử dụng chính thức tại Nghị quyết số 49-NQ/TW: “TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Như vậy, “án lệ” đang dần được khẳng định vai trò của mình, biểu hiện cụ thể cho việc này chính là việc TAND các cấp tham khảo quyết định của các tòa chuyên trách, quyết định của HĐTP TAND Tối cao và thông qua việc tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hành quyết định của HĐTP TAND Tối cao đến tòa án các cấp.

Án lệ sẽ bị bãi bỏ khi văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mới được ban hành, thay đổi, bổ sung văn bản QPPL cũ hoặc quy định những vấn đề pháp lý mà án lệ đề cập đến. Án lệ có thể bị bãi bỏ bởi HĐTP TAND Tối cao đã thiết lập ra án lệ, việc bãi bỏ án lệ của TAND Tối cao  do chính TAND Tối cao thực hiện.

Án lệ là sự bổ sung cho sự thiếu hụt của các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh. Khi các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những văn bản QPPL điều chỉnh những vấn đề được án lệ giải quyết trước đó thì án lệ đó không được áp dụng nữa.

Cho đến nay, án lệ vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, đó có thể là những cản trở về tư duy nhận thức án lệ. Quan điểm cứng nhắc về pháp luật vẫn còn trong tư duy của rất nhiều người cho rằng, khái niệm về pháp luật gắn với luật thực định hay nói cách khác, pháp luật chính là hệ thống các văn bản QPPL được Nhà nước ban hành theo một trình tự, thủ tục nhất định. Việc thừa nhận và triển khai áp dụng án lệ ở Việt Nam đang gặp phải những cản trở rất lớn là còn có những hạn chế về nhận thức sử dụng án lệ, như: Thẩm phán sẽ viện dẫn án lệ như thế nào? Án lệ có phải là cơ sở pháp lý cho quyết định của Thẩm phán khi xét xử hay không?...

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trang Trần
(thực hiện)