Báo Công An Đà Nẵng

Áp lực bủa vây

Thứ bảy, 18/04/2020 12:02

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập vào năm 1948 nhằm tăng cường sức khỏe cho thế giới, thường được ca ngợi vì những nỗ lực mở rộng chương trình tiêm chủng cho bệnh lao, bại liệt và các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, giờ đây, tổ chức đang phải chứng kiến thời điểm tồi tệ nhất trong  hàng chục năm qua, nhất là khi đại dịch Covid-19 hoành hành như hiện nay, sau khi Mỹ tuyên bố rút tài trợ và bản thân Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đối mặt với lời kêu gọi từ chức.

Tổng thống Donald Trump dù nhận nhiều cái lắc đầu khi ngừng tài trợ cho WHO nhưng ông không phải người duy nhất nghi ngờ vai trò của tổ chức này. Hiện nay, nhiều nghị sĩ Cộng hòa tiếp tục hối thúc ông Trump ra điều kiện về tài trợ của Mỹ dành cho WHO nếu Tổng Giám đốc của tổ chức này Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức do cách thức giải quyết của ông đối với đại dịch Covid-19. 17 Hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tuyên bố “mất niềm tin” vào sự lãnh đạo của ông Tedros đối với WHO, bất chấp các nhân vật này nhấn mạnh WHO có vai trò sống còn trong công tác giải quyết những vấn đề y tế của thế giới.

Trong bức thư gửi Tổng thống Trump, Hạ nghị sĩ Michael McCaul - người dẫn đầu nhóm nghị sĩ trên viết: “Tổng Giám đốc Tedros thất bại trong nhiệm vụ của ông ta nhằm ứng phó một cách khách quan với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ đại dịch HIV/AIDS”. Các nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã tố cáo ông Tedros quá tin tưởng vào Bắc Kinh và phớt lờ cảnh báo của đảo Đài Loan (Trung Quốc) về nguy cơ dễ lây truyền của SARS-CoV-2.

Hiện nay, nhiều nước đang lên án Tổng thống Trump vì rút tài trợ cho WHO, nhưng ý kiến của nhiều nghị sĩ Mỹ thì cho rằng, đó là lời kêu gọi đúng đắn. Theo họ, WHO đã xử lý quá sai lầm về đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh bùng nổ ở Trung Quốc hồi đầu tháng 1, WHO báo cáo không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của SARS-CoV-2. Và đến cuối tháng 1, kể cả khi Mỹ ra lệnh cấm nhập cảnh người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày, WHO vẫn cho rằng, giới hạn đi lại là không cần thiết và khuyên các nước không nên đóng cửa biên giới. Đến ngày 11-3, WHO mới chịu công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Và cáo buộc đang nhắm vào người đứng đầu WHO Ghebreyesus, một chính trị gia người Ethiopia, đảm nhận vai trò Tổng giám đốc WHO kể từ tháng 7-2017. Ông Tedros được cho là đã  “quá tin tưởng” Bắc Kinh, nên đã đánh giá thấp tác động của virus mới này. Một số thành viên của đảng Cộng hòa từ Ủy ban Giám sát Hạ viện ở Mỹ đã yêu cầu ông tiết lộ mối quan hệ với các quan chức Trung Quốc.  Trong khi đó, cũng đã có hơn 1 triệu chữ ký yêu cầu Tổng giám đốc WHO từ chức.

THANH VĂN