Báo Công An Đà Nẵng

Áp lực “ghế nóng” trên chính trường Anh

Thứ bảy, 22/10/2022 12:56
Báo chí thế giới đưa tin về việc bà Liz Truss. Ảnh: The Times

Thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh

Trong bài phát biểu từ chức bên ngoài Văn phòng thủ tướng, bà Truss thừa nhận không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và đã đánh mất sự tín nhiệm của đảng này dành cho bà.

Bà Truss đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử vào mùa hè với chương trình nghị sự về một nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào thuế thấp và cải cách quy định. Nhưng phản ứng thực tế của thị trường đối với kế hoạch giảm thuế, vốn bị các nhà kinh tế gọi là "một thảm họa chính sách và phá hỏng danh tiếng uy tín tài chính của Anh", đã khiến bà phải ra đi chỉ sau 6 tuần nhậm chức.

Kế hoạch “ngân sách nhỏ” được Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Kwasi Kwarteng công bố ngày 23-9.Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ cắt giảm thuế trị giá lên tới 45 tỷ bảng nhưng lại không đưa ra được kế hoạch chi tiết để bù đắp phần thâm hụt thu ngân sách do giảm thuế, gây mất niềm tin của các nhà đầu tư. Đồng bảng Anh lao dốc và thị trường tài chính chao đảo với làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, gây nên cuộc khủng hoảng thanh khoản tại các quỹ hưu trí của Anh, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng.

Trước sức ép rất lớn của thị trường và dư luận, bà Truss tuần trước đã phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và đến đầu tuần này, đã phải chấp nhận để tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt công bố các biện pháp đảo ngược gần như toàn bộ các chính sách mà bà Truss đưa ra trước đó. Bà Truss sau đó đã phải công khai xin lỗi vì lựa chọn chính sách sai lầm. Uy tín của bà Liz Truss những ngày qua sụt giảm nghiêm trọng trong cả dư luận Anh lẫn nội bộ đảng Bảo thủ. Hầu hết đều cho rằng bà Truss không còn đủ năng lực lãnh đạo.

Áp lực đối với Thủ tướng Truss càng gia tăng khi chưa đầy 1 tuần sau, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từ chức, chỉ trích chính phủ đảo ngược các cam kết đã đưa ra, đồng thời ngụ ý bà Truss phải rời khỏi vị trí Thủ tướng Anh vì mắc sai lầm và phải chịu trách nhiệm. Đã có ít nhất 10 nghị sỹ công khai kêu gọi Thủ tướng Truss từ chức trước những hỗn loạn trong nội bộ đảng và chính phủ khi bà dường như không còn nắm quyền lực và hoàn toàn mất kiểm soát trong đảng.

Mặc dù trước đó khẳng định bản thân là một “người chiến đấu, không phải người bỏ cuộc”, bà Truss cuối cùng đã phải tuyên bố từ chức khi không còn nhận được sự ủng hộ trong đảng.

Tối đa 3 ứng cử viên ra tranh cử

Với sự ra đi của bà Truss, đảng Bảo thủ sẽ bắt đầu một cuộc bầu chọn lãnh đạo khẩn cấp, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 28-10. Người chiến thắng sẽ là thủ tướng thứ năm của Anh kể từ khi đảng Bảo thủ giành quyền lãnh đạo đất nước năm 2010.

Theo quy chế bầu chọn lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ để thay bà Truss trên cương vị Thủ tướng mới của Anh được ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 có vai trò giám sát tiến trình lựa chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ, công bố chiều tối ngày 20-10, các ứng cử viên muốn tham gia tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc sẽ giữ ghế Thủ tướng Anh thay bà Truss, cần nhận được ít nhất 100 đề cử từ các nghị sĩ của đảng Bảo thủ. Hiện tại đảng Bảo thủ đang có 357 nghị sĩ tại Hạ viện Anh nên quy chế này đồng nghĩa với việc sẽ chỉ có tối đa 3 ứng cử viên đủ điều kiện chạy đua ghế lãnh đạo mới của đảng này. Ông Brady cho biết nếu chỉ có 1 ứng cử viên giành đủ sự ủng hộ, vị trí lãnh đạo đảng sẽ được xác định vào ngày 24-10 tới, ngày kết thúc việc đề cử ứng viên. Nếu có hơn 1 ứng cử viên đủ điều kiện, thủ lĩnh mới của đảng sẽ được công bố vào ngày 28-10 sau khi các nghị sĩ đảng lựa chọn 2 ứng cử viên cuối cùng để các thành viên đảng bỏ phiếu trực tuyến tiến tới quyết định ai là người chiến thắng.

Báo chí địa phương đã điểm tên một số ứng cử viên có thể tranh cử, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordant, cựu Thủ tướng Boris Johnson, cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Kemi Badenoch và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.

Thách thức với tân thủ tướng

Hiện còn quá sớm để biết ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của Anh, nhưng dù người đó là ai cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn.

Bức tranh kinh tế tại Anh hiện đang ở mức báo động. Tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 9-2022 được công bố là 10,1%, cao nhất trong vòng 40 năm và được dự báo có thể cao trên 13% vào cuối năm nay. Sau 45 ngày cầm quyền của bà Truss, nước Anh giờ đây đang trong tình trạng đồng bảng Anh yếu hơn, lãi suất đi vay cao hơn, bài toán khủng hoảng năng lượng chưa có lời giải và nguy cơ suy thoái cận kề. Giá năng lượng, thực phẩm tăng cao đang đe dọa sự ổn định xã hội tại Anh.

Về mặt đối ngoại, thách thức lớn xoay quanh ba chủ đề chính: việc ứng phó với xung đột Nga-Ukraine, giải quyết vướng mắc hậu Brexit với EU và thắt chặt quan hệ với Mỹ. Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi, bà Truss vẫn giữ quan điểm ủng hộ Ukraine và chống Nga rất mạnh mẽ nhưng lại chưa xây dựng được quan hệ thân cận với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và thậm chí chưa kịp đối thoại nghiêm túc với EU để giải quyết vấn đề Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit.

Một thách thức khác của người kế nhiệm bà Truss là nhiệm vụ đoàn kết đảng Bảo thủ trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ đảng, khi uy tín của đảng đang giảm sút nghiêm trọng sau 12 năm cầm quyền. Kể từ khi bà Truss trở thành thủ tướng và công bố "ngân sách nhỏ", tỷ lệ cử tri Anh dự định ủng hộ đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới đã giảm mạnh trong khi số người ủng hộ Công đảng tăng tương đương. Đảng Bảo thủ hiện có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, thậm chí thấp hơn nhiều so với thời điểm ông Johnson chuẩn bị từ chức.

Các đảng viên Bảo thủ giờ đây đứng trước lựa chọn khó khăn: tìm ra được một thủ lĩnh có thể thống nhất đảng và mang lại sự ổn định để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng - một điều kiện tiên quyết để đảng cầm quyền có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

AN BÌNH