Báo Công An Đà Nẵng

Áp lực khi kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm lại

Thứ sáu, 28/06/2019 12:31

Bức tranh kinh tế Đà Nẵng 6 tháng qua không mấy sáng sủa khi nhiều chỉ số thành phần tụt giảm, mức tăng trưởng chung chậm lại, đặt áp lực rất lớn lên nửa cuối năm 2019.

Nhiều dự án vướng mắc pháp lý “đóng băng” khiến không thể khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế TP. (Trong ảnh: Dự án khu Đa Phước)

Quá nhiều nỗi lo

Lãnh đạo Cục thống kê Đà Nẵng cho biết, quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 của TP đạt hơn 50,7 ngàn tỷ đồng, GRDP ước tăng 6,21% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 7,24% của 6 tháng đầu năm 2018. Nếu so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng xếp thứ 3, sau Thừa Thiên – Huế, Bình Định.  So với 5 TP trực thuộc Trung ương, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng thấp nhất (cùng kỳ năm trước đứng thứ 3).  Trong các chỉ số tăng trưởng, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,94%, thấp hơn mức tăng 7,84% của cùng kỳ, và đây cũng là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2019.

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, mức tăng trưởng công nghiệp thấp do các ngành giảm, hoặc tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp (chiếm 57%). Đây đều là các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của TP như sản xuất kim loại (sắt, thép) giảm 35,7% chủ yếu do việc 2 nhà máy Dana-Ý, Dana-Úc dừng hoạt động; dệt giảm 29,1% do Công ty CP Vinatex quốc tế tại Đà Nẵng dừng hoạt động phân xưởng dệt vải (trước đây là nhà máy dệt Phong Phú); sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe giảm 20,4%; điện tử giảm 11,6% do Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng cắt giảm sản xuất, chế biến thủy sản giảm 2,9 % do một số doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ (Công ty Hải Thanh giảm trên 50% sản lượng…); chế biến sữa giảm 21,1% và sản xuất hóa chất giảm 3,5% do hàng tồn kho còn nhiều, thị trường kém thuận lợi hơn năm trước...

Ngoài công nghiệp thì một số lĩnh vực kinh tế khác của Đà Nẵng cũng tăng trưởng thấp, kéo GRDP Đà Nẵng tăng chậm lại. Chẳng hạn tổng doanh thu ngành thông tin truyền thông ước đạt hơn 14,8 ngàn tỷ đồng, tăng 1,08% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 841 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ (kế hoạch tăng 12-13%). Ngành dịch vụ du lịch cho thấy tăng trưởng khả quan nhất, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,715 triệu lượt, tăng 19,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 739 nghìn lượt, tăng 18,4%. Tuy nhiên, số ngày lưu trú bình quân của khách nội địa là 1,66 ngày/lượt, khách quốc tế là 1,98 ngày/lượt, giảm so với cùng kỳ nên doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành 6 tháng chỉ tăng 10,6%, tăng thấp so với tốc độ tăng của lượt khách.

Việc kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có các vấn đề pháp lý liên quan tới đất đai, thủ tục, không giải phóng được nguồn lực đầu tư. Trả lời tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, các thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường đang gặp nhiều vướng mắc, dẫn tới các dự án chậm triển khai, bị “treo” trong thời gian dài. Không chỉ các dự án tư nhân từ công nghiệp, thương mại, du lịch… chậm vướng thủ tục, chưa thể đầu tư, xây dựng, sản xuất tạo ra của cải vật chất, việc làm mà ngay cả các dự án trọng điểm đầu tư bằng ngân sách cũng đang vướng thủ tục, mặt bằng. Trong đó nhiều dự án tạo động lực tăng trưởng kinh tế TP đang chậm tiến độ. Khó và vướng như vậy, song theo ông Thơ, nhiều cán bộ lại mang tâm lý làm gì cũng sợ sai, không dám xông xáo chủ động đề xuất gỡ khó, gỡ vướng cho các nhà đầu tư, dự án để khơi thông dòng chảy kinh doanh.

Gỡ áp lực thế nào?

Để tăng trưởng kinh tế cao và ổn định cần nhiều giải pháp căn cơ trong thời gian dài. Tuy vậy với những trở ngại trước mắt đang đặt áp lực tăng trưởng rất lớn lên kinh tế Đà Nẵng những tháng cuối năm 2019. Việc trước tiên vẫn cần gỡ vướng về thủ tục, cơ chế để khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy các dự án nhanh chóng xây dựng, sản xuất. Ông Thơ cho rằng, để kích thích tăng trưởng cần tập trung toàn hệ thống chính trị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Có đầu tư nhà máy, nhà hàng, khách sạn chỉ số sử dụng lao động mới tăng. Có giải quyết thủ tục nhanh chóng, thuận tiện thì nhà đầu tư mới bỏ vốn xây dựng, mới đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Muốn làm được việc đó, cán bộ phải tích cực, sáng tạo, loại bỏ tâm lý sợ sai. Ông Thơ cho biết, vừa qua TP đã thay đổi một loạt Giám đốc, Phó Giám đốc sở, cả quận huyện với hy vọng tạo ra chuyển biến từ cấp dưới.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư tư nhân, TP cũng cần triển khai triệt để các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm mang tính động lực phát triển. Nổi bật trong số đó là các công trình về giao thông, môi trường, y tế, các khu công nghiệp, khu công viên phần mềm… Hiện TP có 18/38 công trình, dự án trọng điểm đầu tư bằng ngân sách đang chậm tiến độ. Ông Trần Phước Sơn cho biết, do nhiều vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng nên nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, dẫn tới giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm. Tính đến ngày 10-6 TP đã giải ngân 1.099 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch, ước chi xây dựng cơ bản 6 tháng là 1.968 tỷ đồng, đạt 37% dự toán (không kể dự nguồn chưa phân bổ cho các dự án). Ngoài ra, với các dự án phát triển hạ tầng như khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm số 2, các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, cảng Liên Chiểu… TP cũng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Giải pháp trước mắt, TP sẽ nâng cao chất lượng ngành du lịch, tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ. Theo Sở KH&ĐT, trong thời gian tới, TP sẽ hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế ở khu vực nội thành, thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư chợ đêm, triển khai Đề án phát triển mạng lưới máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng.

Với các giải pháp đó, Đà Nẵng hy vọng sẽ dần gỡ bỏ nỗi lo kinh tế tăng trưởng chậm lại, giảm dần áp lực vào những tháng cuối năm 2019.

HẢI QUỲNH