Báo Công An Đà Nẵng

Áp lực trên vai Tổng thống Aquino

Thứ sáu, 15/11/2013 13:20

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang chịu áp lực tăng tốc nỗ lực phân phối thực phẩm, nước và thuốc men cho những người sống sót tuyệt vọng sau siêu bão Haiyan và làm sống lại chính quyền địa phương đang bị tê liệt.

Trong khi các nỗ lực cứu trợ quốc tế đã đi vào trật tự, nhiều chủ sở hữu trạm xăng từ chối mở cửa, gây ra cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều binh sĩ, cảnh sát và nhân viên chính quyền vẫn chưa đi làm trở lại.

Rất nhiều thi thể còn nằm trong những đống đổ nát tại Tacloban. Ảnh: CNN

Một xe tải, hai nhiệm vụ

Hiện không có nhiên liệu cần thiết cho xe tải, vốn dùng di chuyển vật tư và các đội y tế quanh các khu vực bị tàn phá gần một tuần sau thảm họa Haiyan.

Việc khan hiếm xe tải phơi bày những lựa chọn nghiệt ngã. “Cách duy nhất ở đây là sử dụng cùng một xe tải để phân phối thực phẩm và thu thập tử thi”, Thị trưởng Tacloban Alfred Romualdez cho biết. “Hiện vẫn còn nhiều thi thể trên đường phố”, ông Alfred nói. “Thật đáng sợ. Người dân gọi nói có 5 hay 10 thi thể gì đó, nhưng khi chúng tôi đến, có đến 40 người chết”, ông nói thêm. Ngày 14-11, bên ngoài Tacloban, giới chức thành phố bắt đầu chôn cất khoảng 300 thi thể trong một ngôi mộ tập thể. Một ngôi mộ lớn hơn sẽ được đào để chôn cất 1.000 nạn nhân xấu số khác, Chủ tịch thành phố Tecson John Lim nói với Reuters. Không khí nhuộm màu ảm đạm đến ghê người.

Trong khi đó, trụ sở chính quyền thành phố vẫn điêu tàn khi chỉ có 70 nhân viên làm việc so với 2.500 người như thường ngày. Nhiều người chết, bị thương, bị mất gia đình hoặc chỉ đơn giản là không thể vượt qua nỗi đau để đến làm việc. Trong ngày 14-11, tàu sân bay USS George Washington của Mỹ đến Philippines với 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay. Nhật Bản cũng lập kế hoạch gửi 1.000 binh sĩ cũng như các tàu hải quân và máy bay, có thể được coi là kế hoạch triển khai quân đội lớn nhất của Tokyo sau chiến tranh.

Gánh nặng cho ông Aquino

Tổng thống Aquino đã căng mình như “thời chiến” để đối phó với siêu bão Haiyan và bây giờ là tốc độ nỗ lực cứu trợ.

Trong tuyên bố “giải trình” về số người chết cao ngất ngưởng, Tổng thống Aquino cho biết, nguyên nhân do người dân chủ quan, không chịu di tản. Tuy nhiên, những người sống sót từ các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất nói rằng, họ không nhận được cảnh báo về một cơn sóng thần giống như bức tường nước, đã nhấn chìm tất cả. Tổng thống Aquino cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về mức độ thương vong, với lý do số người chết thấp hơn nhiều so với ước tính 10.000. Ngày 14-11, chính quyền Manila xác nhận chính thức có 2.357 người chết. Chủ tịch Tecson Lim, người ước tính 10.000 người có thể đã chết ở Tacloban, cho biết, Tổng thống Aquino có thể cố tình hạ thấp số thương vong. “Tất nhiên, Tổng thống không muốn tạo ra quá nhiều hoảng loạn. Có lẽ ông đang phải vật lộn với nỗ lực đưa mọi người trở lại cuộc sống bình thường”, ông Tecson Lim nói.

Trung Quốc viện trợ 1,6 triệu USD cho Philippines

Đúng như cam kết, ngày 14-11, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng viện trợ cho Philippines lên 1,6 triệu USD, so với mức 100.000 USD vốn bị chỉ trích là quá ít với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh tuyên bố hỗ trợ 100.000 USD cho Manila hôm 11-11 và cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ sau khi tham vấn Manila và các tổ chức cứu trợ. Tuy nhiên, theo AFP, trong khi một số phương tiện truyền thông kêu gọi Bắc Kinh gạt bất đồng để nỗ lực giúp đỡ Manila, đa số cư dân mạng Trung Quốc kêu gọi chính phủ “không giúp đỡ”.

Ước tính sơ bộ số người mất tích được Hội Chữ thập đỏ công bố hôm 14-11 duy trì ở con số 22.000. Astrodome - Trung tâm Hội nghị chính ở Tacloban – hiện trở thành ngôi nhà chung tạm thời cho hàng trăm người khốn khổ. Các gia đình nấu bữa ăn giữa mùi hôi thối của rác thải và nước tiểu. Các mảnh vỡ rải rác dọc theo những hàng ghế ngồi bốc mùi trong ao tù nước đọng. Cách đó không xa, những người sống sót xếp hàng dài dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, rồi sau đó mưa xối xả, chỉ để được sạc điện thoại di động từ các nguồn điện có sẵn: máy phát điện của hội trường thành phố. Một số người khác bắt đầu sửa chữa xe máy và nhà cửa. Một nhân viên cứu hộ dọn sạch các mảnh vỡ gần một bức tường với dòng chữ phun sơn “Chúng tôi cần thực phẩm”.

LHQ cho biết, hơn 544.600 người phải di dời và gần 12% dân số bị ảnh hưởng. Nhưng nhiều khu vực vẫn chưa nhận được viện trợ. “Đó là sự thật, vẫn còn có những khu vực mà chúng tôi không thể tiếp cận”, Trưởng nhóm nhân đạo của LHQ Valerie Amos nói với các phóng viên ở Manila. “Tôi hy vọng, trong vòng 48 giờ tới, sẽ có sự thay đổi đáng kể”, bà Valerie nói.

Rõ ràng, tất cả hy vọng này đang đổ dồn vào Tổng thống Aquino.

Khả Anh