Báo Công An Đà Nẵng

Áp lực từ đất thải nông nghiệp tại Lý Sơn

Thứ bảy, 16/11/2019 20:00

Dù UBND H. Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 26 vị trí làm bãi chứa đất thải trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên lượng đất thải quá lớn khiến những vị trí này đã bị lấp đầy. Do đó, sau mỗi vụ hành, tỏi, đất thải được đổ tràn lan ra khắp các tuyến đường. Xử lý đất thải nông nghiệp đang là bài toán khó đối với chính quyền huyện đảo này.

Nông dân Lý Sơn thu hoạch hành.

Đảo Lý Sơn nằm về phía đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 18 hải lý. Với diện tích 10 km2, nơi đây không chỉ được biết đến là đảo tiền tiêu, giữ vị trí chiến lược trên Biển Đông, mà còn được mệnh danh là "Vương quốc hành tỏi". Hành, tỏi là hai cây trồng chủ lực của huyện đảo Lý Sơn với 330 ha đất canh tác nông nghiệp, mỗi năm nông dân trồng 1 vụ tỏi, 3 vụ hành. Bao đời nay, để trồng hành, tỏi đạt năng suất và cho hương vị thơm đặc trưng, người dân huyện đảo Lý Sơn phải dùng cát biển trải một lớp trên đất thịt rồi mới xuống giống. Quá trình nông dân thay cát trước mỗi vụ trồng hành, tỏi đã tạo ra một khối lượng đất thải ra môi trường là 10.200m3/năm.

Nhằm giải quyết tình trạng đất thải ảnh hưởng đến môi trường và giao thông, tháng 6-2017 UBND H. Lý Sơn đã quy hoạch 26 điểm đổ đất thải nông nghiệp với diện tích 3.300m2. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, các điểm được quy hoạch để đổ đất thải này đã đầy. Do đó, người dân đã đổ đất thải dọc theo các tuyến đường lớn nhỏ trên đảo. "Muốn trồng vụ hành, tỏi mới thì phải thay lớp cát cũ bằng lớp cát biển mới. Nhưng các điểm đổ đất thải huyện quy hoạch đầy rồi, chúng tôi không biết đổ đâu nên đổ dọc các tuyến đường. Tôi biết đổ đất thải như vậy là sai, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, mất mỹ quan nhưng chúng tôi cũng không biết đổ đất thải ở đâu", ông Võ Tiến, xã An Hải, lý giải.

Trước áp lực từ đất thải nông nghiệp, UBND H. Lý Sơn đã có văn bản xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi về việc cho đổ trực tiếp đất thải nông nghiệp xuống biển. Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đã có văn bản trả lời nêu rõ, quá trình trồng hành, tỏi, nông dân Lý Sơn sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng nên nguy cơ dư lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn lưu trong đất thải. Do đó, UBND H. Lý Sơn cần kiểm soát, quản lý, thu gom toàn bộ lượng đất thải, đồng thời phân tích, đánh giá dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong đất, nếu các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép có thể tận dụng san lấp mặt bằng công trình xây dựng hoặc đổ thải tại những vị trí phù hợp. Trường hợp các chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép thì phải có biện pháp xử lý triệt để dư lượng các loại hóa chất trước khi tận dụng hoặc đổ thải. Về lâu dài, UBND H. Lý Sơn cần tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí đổ đất thải nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo quy hoạch xây dựng, cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Để xây dựng đảo Lý Sơn - tiền tiêu của Tổ quốc, trở thành hòn đảo xanh, sạch, đẹp thu hút du khách, từng bước đưa ngành du lịch, dịch vụ phát triển, chỉ trong 9 tháng của năm 2019 UBND H. Lý Sơn đã chi khoảng 180 triệu đồng để thu gom đất thải nông nghiệp tới các điểm xử lý đất thải tạm thời; đồng thời xây dựng phương án thu phí đất thải nông nghiệp đối với các hộ dân trực tiếp canh tác nông nghiệp trên đảo. Mức phí dự kiến là 6.000 đồng/100m2.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND H. Lý Sơn cho rằng, trước mắt UBND huyện giao các phòng chức năng tìm các vị trí phù hợp để chứa tạm lượng đất thải người dân đã đổ dọc các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan môi trường. Về lâu dài, để giải quyết được vấn đề đất thải, UBND huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng tỏi sạch, tức là không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để có thể đổ đất thải xuống biển. UBND huyện cũng đề nghị các ngành chức năng về lĩnh vực khoa học công nghệ nghiên cứu trồng tỏi không dùng cát trắng để hạn chế lượng đất thải và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

T.H