APEC 2017: 9 cuộc họp trong khuôn khổ các nhóm công tác và tiểu ban
(Cadn.com.vn) - Ngày 21-2, các đại biểu Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bước vào ngày làm việc thứ tư với 9 cuộc họp trong khuôn khổ các nhóm công tác và tiểu ban APEC về Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Diễn đàn Khoa học đời sống và đổi mới (LSIF), Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Luật và chính sách cạnh tranh (CPLG), Thủ tục hải quan (SCCP), Chống khủng bố (CTWG) và Nhóm chuyên gia về chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp (EGILAT).
Trong ngày, tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Tiểu ban Thủ tục hải quan, các đại biểu tập trung thảo luận việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO (TFA), triển khai kết nối cơ chế một cửa, tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng, và phát triển chương trình Doanh nghiệp ưu tiên để tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây là những nỗ lực cụ thể nhằm triển khai hợp tác Thủ tục hải quan, với mục tiêu tổng thể là cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã phát biểu khai mạc phiên họp, khẳng định hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương sẽ giúp hải quan Việt Nam xây dựng các sáng kiến, chương trình hành động mới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; góp phần cụ thể, thiết thực vào việc xây dựng chính phủ kiến tạo của Việt Nam.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy hài hòa các tiêu chuẩn của các thành viên APEC với chuẩn mực quốc tế, trao đổi các điển hình phát triển hạ tầng tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhất là các vấn đề thiết thực như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị thông minh. Các đại biểu cũng trao đổi về hướng hợp tác trong việc xây dựng, đánh giá sự phù hợp của các tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy thương mại, đặc biệt là thúc đẩy nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tham dự cuộc họp, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế lớn như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã có bài trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế trong việc định hướng, thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh.
B.T – T.T