APEC 2017: Phát triển bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ
(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan, ngày 23-2, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tổ chức “Hội thảo chính sách APEC về Công nghiệp hỗ trợ”.
Với tổng số 11 hoạt động của 8 ủy ban, nhóm công tác và diễn đàn APEC trong các lĩnh vực Thương mại và Đầu tư (CTI), Chính sách và luật cạnh tranh (CPLG), Thủ tục hải quan (SCCP), Dịch vụ (GOS), Đầu tư (IEG), Du lịch (TWG), Y tế (HWG), Điều phối về thương mại điện tử (ECSG), ngày 23-2 là một trong những ngày làm việc sôi động nhất của Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan, với sự tham dự của 430 đại biểu. Trong ảnh: Các đại biểu tham dự phiên họp của Nhóm chỉ đạo về thương mại điện tử (ECSG) - Tiểu nhóm ECSG về bảo mật dữ liệu (ECSG-DPS) trong khuôn khổ SOM1. |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, trong xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực, mỗi nền kinh tế thành viên APEC ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc trở thành một mắt xích cơ bản trong chuỗi cung ứng, sản xuất và giá trị toàn cầu. Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, với trình độ phát triển và lợi thế khác nhau, mỗi nền kinh tế đều nỗ lực hết mình để tối ưu hóa các nguồn lực, xác định và định vị mình trong sân chơi chung rộng lớn này.
Định hướng phát triển du lịch trong thời kỳ chịu tác động của biến đổi khí hậu Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan, ngày 23-2, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Nhóm công tác về du lịch (TWG) đã tổ chức Hội thảo về du lịch bền vững. Bên lề Hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Năm 2015, các nền kinh tế thành viên APEC đón được trên 396 triệu lượt khách (chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới); tạo thu nhập hơn 598 tỷ USD (chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu), tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Các Bộ trưởng du lịch APEC đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch của 21 nền kinh tế thành viên cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là thách thức do thiên nhiên mang lại. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017 được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) chọn là “Năm du lịch bền vững”. |
Trên thực tế, mỗi nền kinh tế với quy mô, trình độ phát triển khác nhau có thể định nghĩa ngành công nghiệp hỗ trợ khác nhau để phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể. Phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ không những tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn góp phần củng cố nội lực của một nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng.
Hội thảo hướng tới mục tiêu: Nâng cao năng lực của các nền kinh tế APEC trong thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) vào Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs); Tạo cơ hội kết nối cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các bên liên quan nhằm xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh và hiện đại; Góp phần xây dựng “Hướng dẫn chính sách, Bộ thông lệ tốt” bao gồm các chính sách về ngành, về nghiên cứu và phát triển (R&D) và phát triển nguồn nhân lực...
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ đối với phát triển kinh tế, năm 2016, APEC đã thông qua sáng kiến về “Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ APEC” do Nhật Bản và Việt Nam đồng chủ trì. Kế hoạch triển khai sáng kiến sẽ thông qua hai giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 1, Ban Nghiên cứu hỗ trợ chính sách APEC (PSU) đã thực hiện ba Nghiên cứu điển hình về Công nghiệp hỗ trợ tại ba nền kinh tế thành viên APEC là Australia, Mexico và Việt Nam nhằm phân tích, đánh giá chính sách và kinh nghiệm trong việc năng cao năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực APEC.
Giai đoạn 2, Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản và Ban Nghiên cứu hỗ trợ chính sách xây dựng Bộ hướng dẫn chính sách, Bộ thông lệ tốt về Công nghiệp hỗ trợ APEC nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng chính sách và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực. Dự kiến Hướng dẫn chính sách, Bộ thông lệ tốt sẽ được trình lên các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 29 (AMM 29), tháng 11-2017 tại Đà Nẵng và là một trong những kết quả quan trọng của hợp tác APEC năm 2017.
* Ngày 23-2, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức Đối thoại Công-Tư APEC về Dịch vụ. Tại Đối thoại lần này, các nhà hoạch định chính sách và đại diện cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, trao đổi kiến thức, chia sẻ quan điểm nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác APEC đối với ba lĩnh vực dịch vụ quan trọng (phân phối, giao thông vận tải và logistics). Đối thoại sẽ tạo nền tảng để Nhóm công tác về dịch vụ (GOS) và các diễn đàn khác của APEC tiếp tục thảo luận, xây dựng các chương trình hỗ trợ năng lực cho các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt là các thành viên đang phát triển trong các lĩnh vực nói trên.
Thu Thủy – TTXVN