APEC dưới bóng đen “Chính phủ Mỹ đóng cửa”
(Cadn.com.vn) - Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2013 hội họp tại Bali dưới bóng đen của việc chính phủ Mỹ đóng cửa.
Các nhà lãnh đạo 21 quốc gia thành viên APEC tề tựu về hòn đảo Bali xinh đẹp dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế hàng năm trong bóng tối của những đám mây tăng trưởng toàn cầu và khi Mỹ đấu tranh để thoát khỏi tình trạng tê liệt về chính sách.
Không ai phủ nhận rằng, việc chính phủ Mỹ đóng cửa khiến Tổng thống Barack Obama hủy chuyến đi tham dự Hội nghị APEC, thực sự phủ bóng đen lên Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Hậu quả này khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng tại một thời điểm khi Trung Quốc đang gia tăng tầm ảnh hưởng và Washington cố gắng thúc đẩy thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầy tham vọng, vốn không bao gồm Bắc Kinh.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) cùng các lãnh đạo APEC tham gia diễn đàn đối thoại ABAC hôm 7-10. Ảnh: Reuters |
THAM VỌNG TPP
TPP là chủ đề ưu tiên tại Hội nghị APEC lần này, trong đó các cuộc thảo luận đề cập tới vấn đề liệu khung thời gian mà Mỹ đưa ra “vào cuối năm nay” có khả thi hay không.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, thời điểm cuối năm nay “quá eo hẹp”. 12 nước vành đai Thái Bình Dương đồng ý tham gia đàm phán TPP, vốn khởi động từ năm 2010. Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ thiết lập một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, song không có Trung Quốc. Nước chủ nhà Indonesia, vốn không tham gia đàm phán TPP, khẳng định bất kỳ thỏa thuận khu vực nào cũng sẽ có lợi nếu có mặt Trung Quốc. “Trung Quốc rất quan trọng với các nền kinh tế Đông Nam Á, dù muốn hay không”, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri cho biết.
Kể cả Australia - đồng minh thân cận của Mỹ - vốn là một trong 12 quốc gia tham gia TPP nhưng cũng tỏ ra “bất đắc dĩ” trong đối kháng với Trung Quốc. “Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc là một lợi ích cho thế giới, không phải là một thách thức”, tân Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết sau cuộc hội đàm với ông Tập. Tân Thủ tướng Abbott đồng thời tuyên bố sẽ đến thăm Trung Quốc vào năm tới cùng với phái đoàn lớn bao gồm các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh và học thuật.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân do việc Mỹ đang tỏ ra phớt lờ khỏi các mục tiêu đối ngoại, trong đó có TPP vì “nội chiến” trong nước.
TRUNG QUỐC “TUNG HOÀNH”
Ông Obama tự tay trao tặng “món quà quý giá” cho Trung Quốc khi “lỡ hẹn” đối với APEC.
Nhờ sự “giúp đỡ” của việc chính phủ Mỹ đóng cửa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “thỏa sức tung hoành” trong chuyến tham dự APEC đầu tiên trên cương vị nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều đó thể hiện trong tiêu đề bài phát biểu của ông Tập: “Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi: Châu Á-Thái Bình Dương có thể mong đợi được gì?”. Một số mong đợi một vận may kinh tế. Những người khác, lo lắng những tham vọng chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh.
Nhưng Mỹ có thể làm gì khi họ đang phải đối mặt với một mối đe dọa còn khủng khiếp hơn tình trạng đóng cửa chính phủ hiện nay, đó là khả năng có thể vỡ nợ khổng lồ trừ khi Quốc hội nhất trí nâng trần nợ công vào ngày 17-10. Mỹ đang tập tễnh tại một thời điểm “nhạy cảm” khi nền kinh tế thế giới khó có thể hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. AFP dẫn “Tuyên bố chung” được xem trước cho biết, các nhà lãnh đạo nói rằng, “tăng trưởng toàn cầu quá yếu, rủi ro vẫn còn nhiều, và triển vọng kinh tế cho thấy tăng trưởng có thể sẽ chậm hơn và ít cân bằng hơn”.
Trả lời phỏng vấn báo Jakarta Post hôm 7-10, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đồng ý, “nền kinh tế thế giới bước vào thời kỳ điều chỉnh sâu” nhưng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng dẫn đường như một phần của “khu vực năng động và hứa hẹn nhất của thế giới”. Ông Tập cũng giới thiệu những lợi ích của các hiệp định thương mại tự do. Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại nhóm 16 quốc gia Đông Á tương tự như TPP của Washington.
Theo tuyên bố chung Trung Quốc-Indonesia, Bắc Kinh sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2014.
Khả Anh