Báo Công An Đà Nẵng

ASEAN 50 năm: Nền tảng trọng tâm

Thứ tư, 09/08/2017 09:39

50 năm trước (ngày 8-8-1967), Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines đã hình thành ASEAN. Sự liên kết này là điểm sáng quan trọng trong thời điểm Chiến tranh Lạnh bùng nổ, cho thấy sự đoàn kết và niềm tin của các nước. Nhóm đã mở rộng vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 bao gồm Brunei, Việt Nam, Lào, Campuchia và cuối cùng là Myanmar.

Kể từ đó, ASEAN thúc đẩy hợp tác giữa 10 nước. Dù đa dạng về dân số, lịch sử, văn hóa ngôn ngữ, tôn giáo, kinh tế, hệ thống chính trị, nhưng các quốc gia trong hiệp hội này đã đoàn kết trên con đường phát triển tổ chức. Theo một nghĩa nào đó, các nguyện vọng thiết lập Cộng đồng kinh tế, chính trị và xã hội ASEAN đã được thực hiện.

Trong 50 năm kể từ khi thành lập, ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trong và ngoài khu vực tăng mạnh cùng với sự gia tăng về an ninh và thịnh vượng. GDP của ASEAN hiện đứng ở mức 2.500 tỷ USD. Thương mại nội khối ASEAN ở mức hơn 545 tỷ USD và thương mại ngoài ASEAN là 1.760 tỷ USD.

ASEAN từ lâu nhìn về Liên minh Châu Âu (EU) như một nguồn cảm hứng. Cho đến gần đây, mô hình của EU vẫn rất hứa hẹn đối với nhiều quốc gia trong ASEAN, vốn mong muốn có mức độ tập trung, hội nhập và tính phổ biến cao hơn trong các vấn đề kinh tế, chính trị-xã hội và an ninh. Khác biệt quan trọng giữa hai khối là việc ASEAN thiếu một đồng tiền chung. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cùng với việc người tị nạn tràn ngập Châu Âu và cú sốc Brexit (Anh rời EU), Châu Âu xem ra khó có thể còn là nguồn cảm hứng cho ASEAN.

ASEAN rõ ràng đã có đường hướng phát triển vượt trội hơn rất nhiều so với một EU loay hoay trong khủng hoảng. Một trong những lý do cho sự phát triển và mối liên kết lâu dài trọng tâm của ASEAN được cho là “điểm tựa hàng hải”. Phần lớn thương mại của thế giới đi qua các vùng biển Đông Nam Á, và khu vực này là cửa ngõ chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục cung cấp một nền tảng hữu ích cho hợp tác trong khu vực về một loạt các vấn đề. Khối này cũng tiếp tục phục vụ như một “phương tiện hòa bình”, thông qua đó các cường quốc khu vực có thảo luận, đàm phán và tránh leo thang căng thẳng.

Các quốc gia thành viên luôn đánh giá cao vai trò của ASEAN và tiếp tục nỗ lực việc bảo đảm an ninh, ổn định và thịnh vượng khu vực. Có lẽ đây là bản chất của sức mạnh và tính hữu dụng lâu dài của ASEAN. Trong bối cảnh sức mạnh cạnh tranh ngày càng tăng, nền tảng linh hoạt này cần được củng cố.

THANH VĂN