Báo Công An Đà Nẵng

ASEAN trong “trận chiến” Trung – Mỹ

Thứ sáu, 16/11/2018 10:02

“ASEAN muốn hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc”, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long đã nói như vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nói không với “chủ nghĩa đế quốc”.

Ngày 15-11, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN chính thức khai mạc tại Singapore, với nội dung chú trọng về mối quan hệ giữa khối khu vực này với các đối tác thành viên, trong đó quan trọng nhất là Mỹ và Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Singapore, dự lễ khai mạc và phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh này.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ngày 15-11. Ảnh: TimeofIndia

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 có thể diễn ra năm 2019

Ngày 15-11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Tổng thống nước này Donald Trump có khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong năm 2019, nhưng sẽ không lặp lại sai lầm quá khứ khi để cho các cam kết về chấm dứt chương trình vũ khí đổ vỡ.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề hội nghị ở Singapore, ông Pence nêu rõ: “Chúng tôi không muốn lặp lại sai lầm mà các chính quyền tiền nhiệm, nói thẳng ra là cả hai đảng chính trị, mắc phải trong vòng vài thập niên qua, khi các lời hứa được xác lập, các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, viện trợ kinh tế được triển khai, nhưng rồi các lời hứa bị phá vỡ”. Ngoài ra, ông Pence nhấn mạnh, Tổng thống Hàn Quốc nhất trí phối hợp chặt chẽ với Mỹ cũng như đóng vai trò tích cực trong việc xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, trong bối cảnh Washington vẫn duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” bằng cách duy trì áp đặt trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

T.N

Thông điệp của Mỹ

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 15-11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng, Ấn Độ-Thái Bình Dương không có chỗ cho “chủ nghĩa đế quốc và xâm lược”.

“Tất cả chúng ta đều đồng ý, chủ nghĩa đế quốc và xâm lược không có chỗ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Pence nói khi mở màn bài phát biểu tại cuộc họp thường niên lần thứ 6 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ. “Giống như các bạn, chúng tôi tìm kiếm một Ấn Độ - Thái Bình Dương trong đó tất cả các quốc gia lớn và nhỏ, có thể thịnh vượng và phát triển - an toàn”, ông Pence nhấn mạnh thêm. Phát biểu thay mặt Tổng thống Donald Trump, ông Pence tiếp tục tuyên bố “Tầm nhìn của chúng tôi đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương không bao gồm vị thế quốc gia. Nó chỉ yêu cầu mọi quốc gia đối xử với hàng xóm của họ một cách tôn trọng; họ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia chúng ta và các quy tắc trật tự quốc tế”.

Những tuyên bố của ông Pence được đưa ra chỉ 1 tháng sau một bài phát biểu chính tại Washington hồi tháng 10, khi ông nói về việc chống lại sự “xâm lấn” của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông, và chỉ trích việc sử dụng cái gọi là “ngoại giao nợ” của Bắc Kinh (cho vay xây cơ sở hạ tầng để mở rộng ảnh hưởng của nó đối với các quốc gia ở Châu Á). Lần này, vị Phó Tổng thống Mỹ tiếp tục lưu ý, nước này vẫn cam kết duy trì tự do trên biển và trên không và nói về quyết tâm của mình để đảm bảo, các quốc gia Đông Nam Á được an toàn trong biên giới chủ quyền, trên đất liền và trên biển trong thế giới kỹ thuật số. Ông khẳng định kế hoạch thúc đẩy đầu tư lĩnh vực tư nhân trong khu vực và đẩy mạnh các cuộc tuần   tra “tự do hàng hải” ở biển Đông tranh chấp, nơi Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt vì tuyên bố chủ quyền vô lý.

Dù Tổng thống Donald Trump vắng mặt tại sự kiện thường niên này, quan điểm của Mỹ đối với khu vực vẫn một lần nữa được khẳng định qua những tuyên bố trên của Phó Tổng thống Pence. Phó Tổng thống Mỹ không nêu tên cụ thể bất kỳ quốc gia nào nhưng những nhận xét của ông được cho là nhắm đến Trung Quốc, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng ở khu vực biển Đông. Nó cũng cho thấy sự quan tâm ngày càng cao của Washington ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khi Bắc Kinh và Washington đều tìm kiếm nhiều ảnh hưởng lớn mạnh hơn trong khu vực, họ hầu như đã bị “nhốt chặt” trong cuộc chiến thương mại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Họ đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của nhau, làm bùng nổ những gợn sóng căng thẳng trên khắp thế giới.

ASEAN muốn gì?

Trong động thái đáp trả bài phát biểu của ông Pence, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là quan hệ song phương quan trọng nhất và có ý nghĩa sâu sắc đối với ASEAN và các quốc gia ASEAN muốn làm việc với cả hai nước.

“Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là quan hệ song phương quan trọng nhất và có ý nghĩa sâu sắc đối với ASEAN”, ông Lý Hiển Long nói. “Các nước ASEAN muốn hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, và tối đa hóa phạm vi và lợi thế của sự hợp tác của chúng tôi. Do đó, chúng tôi hy vọng, quan hệ Mỹ-Trung vẫn ổn định và hy vọng rằng tất cả sẽ diễn ra. Do đó, chúng tôi mở cửa cho các đề xuất của các đối tác bên ngoài để tăng cường kiến trúc khu vực ASEAN hiện có”. Ông Lý Hiển Long cũng lưu ý, Mỹ nhắc lại một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” với các nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn như tôn trọng ASEAN, thúc đẩy một trật tự dựa trên quy tắc và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN, và đầu tư của Washington vào khu vực tổng cộng gần 274 tỷ USD, nhiều hơn so với đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc kết hợp lại. Thương mại giữa Washington và ASEAN cũng tạo ra hơn nửa triệu việc làm cho người Mỹ.

KHẢ ANH