Báo Công An Đà Nẵng

ASEAN-Trung Quốc vì một tương lai chung

Thứ ba, 23/11/2021 08:00

Sáng 22-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn Việt Nam, cùng các lãnh đạo ASEAN và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc (1991-2021).

Thủ tướng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Các lãnh đạo ASEAN đánh giá cao việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên dự Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm và coi trọng của lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc với ASEAN và với việc tăng cường quan hệ hai bên. Hội nghị là dịp các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá hợp tác ASEAN và Trung Quốc trong 30 năm qua, đề ra định hướng quan trọng trong giai đoạn mới nhằm đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng với tầm mức của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vừa được thiết lập tại Hội nghị Cấp cao thường niên ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 vào ngày 26-10.

Tăng cường đối thoại, củng cố lòng tin

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN và Trung Quốc vừa nhất trí thiết lập là minh chứng cho thành quả hợp tác 30 năm qua, trên cơ sở tin cậy chính trị, hợp tác hữu nghị và toàn diện, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Hướng tới tương lai, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược và đẩy mạnh hợp tác toàn diện, nhân lên các thành tựu, hướng tới những mục tiêu cao hơn, những lợi ích rộng hơn cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Chia sẻ ủng hộ các định hướng hợp tác mà các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã nêu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm những yếu tố cốt lõi trong hợp tác, cụ thể là: Cùng nhau giữ vững hòa bình, ổn định hợp tác phát triển trong môi trường còn nhiều bất định và phát huy thành quả, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ứng phó hiệu quả với các thách thức mới, mang tính toàn cầu, góp phần phát triển toàn diện, bao trùm, thịnh vượng, an toàn, bền vững cho mỗi bên.

Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, nhất là ở Biển Đông, cần tăng cường đối thoại, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử trách nhiệm của các quốc gia, cùng nhau nỗ lực hơn nữa thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, tiếp tục thúc đẩy xây dựng và sớm đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982... Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã nhấn mạnh lập trường và đề cao vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nêu rõ Malaysia giữ vững quan điểm rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường hợp tác song phương vì một tương lai chung cũng như góp phần đưa khu vực và thế giới trở nên tốt đẹp và thịnh vượng hơn.  Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN đã trải qua một chặng đường đầy ấn tượng trong suốt 3 thập kỷ qua. Nhà lãnh đạo Bắc Kinh khẳng định 30 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ tiến trình toàn cầu hóa nền kinh tế và những thay đổi sâu sắc trên trường quốc tế. 30 năm qua cũng chứng kiến ASEAN và Trung Quốc nắm bắt cơ hội của thời đại và đạt được bước phát triển lớn trong quan hệ song phương.

Đưa mối quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất

Trong 30 năm qua, quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc luôn khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới; ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.

ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ vào năm 1991 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 10-2003. Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 15 năm Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc (Singapore, tháng 11-2018) đã thông qua Tầm nhìn Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030. Trung Quốc khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò lớn hơn tại các diễn đàn đa phương trên thế giới. Trung Quốc là nước Đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN tham gia Hiệp ước thân thiện và Hợp tác (TAC)...

ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào tháng 11-2002 tại Phnom Penh, Campuchia. Tháng 11-2012, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 thông qua Tuyên bố chung về kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố DOC. Hai bên thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC vào ngày 25-7-2016. Gần đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra ngày 26-10, Hội nghị khẳng định môi trường hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, trong đó có Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của các nước. Trên cơ sở đó, các nước cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, nỗ lực thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982...

Sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc

Là một thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại chính trị, nâng cao hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đưa quan hệ hai bên trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác ổn định và bền vững giữa các nước láng giềng.

Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, cùng các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực, giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết khác biệt vì lợi ích của các bên để đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại được triển khai thông suốt, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.

Trong năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", ASEAN tiếp tục củng cố đoàn kết, thống nhất, duy trì đà hợp tác, ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19, đồng thời hợp tác hiệu quả với các đối tác, củng cố vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực. Đặc biệt, trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 37 giữa tháng 11-2020, 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác, trong đó có Trung Quốc, do Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự, đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra thị trường lớn với dân số 2,2 tỷ người và quy mô GDP đạt 26.200 tỷ USD. Đây là thành tựu đáng tự hào, khẳng định mạnh mẽ xu thế thương mại tự do đa phương mở, cân bằng, dựa trên luật lệ...

Hòa chung với dòng chảy hợp tác ASEAN-Trung Quốc, quan hệ Đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được phát huy, và đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Việt Nam đóng vai trò là cửa ngõ Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và làm cầu nối hiệu quả giữa ASEAN với Trung Quốc, quan hệ kinh tế thương mại Việt-Trung tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ, kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm gần đây đạt trên 20%/năm.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Việt Nam đang cùng các nước ASEAN hướng về Tầm nhìn Cộng đồng 2025, mở rộng hợp tác với đối tác láng giềng Trung Quốc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, hai bên cùng có lợi, đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, quan hệ ASEAN - Trung Quốc đạt nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt trong 18 năm kể từ khi hai bên nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược. Trong hành trình nhiều dấu ấn ấy, Việt Nam đã cùng ASEAN đóng góp tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của mỗi bên, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển ở khu vực.

TTXVN -T.H